Tình yêu thương của Bác Hồ dành cho các cháu thiếu nhi
Ăn xoài có giảm cân được không?
Người bị viêm khớp nên tránh thức uống nào?
Những thực phẩm quen thuộc nên ăn để ngăn ngừa sốc nhiệt mùa Hè
Uống Betaloc bị khó thở, tụt huyết áp cần làm gì để khắc phục?
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” và “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” là hai bài hát của hai nhạc sỹ Phong Nhã và Phạm Tuyên. Tên cả hai bài hát như một câu hỏi nhưng đồng thời cũng là câu khẳng định về tình yêu thương Bác Hồ dành cho thiếu nhi và lòng kính yêu Bác vô ngần của thiếu nhi.
Từ đâu mà có Ngày Quốc tế thiếu nhi? Chẳng là trong chiến tranh thế giới thứ 2 từng diễn ra những vụ quân Đức phát xít tàn sát trẻ em vô tội, bởi vậy sau chiến tranh, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, với mong muốn các nước hãy có trách nhiệm, bảo vệ và chăm sóc các thiếu niên nhi đồng, cũng như giảm ngân sách quân sự và tăng ngân sách giáo dục. Đồng thời, cổ vũ những lực lượng đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích cho trẻ em, các bà mẹ.
Tìm về cội nguồn ngày Quốc tế thiếu nhi hay là Tết thiếu nhi 1/6 càng thấm thía tình thương yêu của Bác Hồ dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức vào ngày 1 tháng 6 năm 1950. Khi đó cả nước còn đang kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác vẫn không quên có thư gửi thiếu nhi toàn quốc (đăng báo Sự thật ra ngày 1/6/1950). Trong thư, Người viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1/6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới… Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng... Bác mong các cháu ngoan ngoãn. Bác chúc các cháu mạnh khỏe. Bác gửi các cháu nhiều cái hôn”.
Làm sao để tất cả các cháu thiếu nhi cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành
Cũng ngày 1/6/1955, Bác có bài đăng trên báo Nhân dân gửi lời nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh, các đoàn thể, tổ chức về trách nhiệm với các em nhi đồng: Các em nhi đồng vui vẻ đón mừng Ngày Quốc tế của các em, cũng như nhân dân lao động vui vẻ chúc mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đồng thời, ngày 1/6 nhắc nhủ người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, đoàn thanh niên) nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng.
Yêu quý các em, chúng ta phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em "5 điều yêu": Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công.
Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khoẻ và trí óc, thành những trẻ em có "4 tính tốt": Hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà.
Phải vun trồng cho nhi đồng cái thói quen đoàn kết và tập thể, mở mang tính hǎng hái và tính sáng tạo của nhi đồng. Làm cho nhi đồng dần dần có cái tư cách của con người mới: Không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan. Ngoài việc học cần hướng dẫn các em chơi vui một cách tập thể và có vǎn hoá như hát, múa, làm kịch, cắm trại... Và khuyến khích các em tham gia việc tǎng gia sản xuất, thǎm viếng thương binh, giúp đỡ gia đình liệt sỹ...
Không nên gò ép, bắt buộc thiếu niên, nhi đồng
Trong mọi việc, nên hướng dẫn các em tự động. Người lớn không nên cái gì cũng can thiệp, việc gì cũng bao biện; không nên gò ép, bó buộc; không nên làm cho các em câu nệ, khúm núm, thành những nhi đồng "già".
Trong thư của Bác đăng báo Nhân dân ngày 1/6/1958, Bác căn dặn: Hôm nay là Ngày quốc tế của các em nhi đồng. Các trường học, cơ quan và đoàn thể đều giúp các em nhi đồng tổ chức những cuộc vui chơi thú vị và có ích.
1/6 lại nhắc nhở chúng ta rằng: Cha mẹ, thầy giáo và cô giáo, cùng các đoàn thể thanh niên là những người trực tiếp phụ trách nhi đồng mà chúng ta, tất cả những người lớn để có nhiệm vụ góp phần bồi dưỡng tốt thế hệ tương lai của dân tộc.
Trước lúc Người đi xa, vào dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1969, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong Di chúc của mình, Người khẳng định: “… Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trong bản Di chúc, Người nhắc đến thiếu niên nhi đồng: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!...” và “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”.
Qua những lá thư gửi vào mỗi dịp 1/6, Bác không nói chung chung, nói những lời to tát mà dạy những điều rất cụ thể, rất bổ ích, thiết thực đối với cả chủ thể cũng như đối tượng của công việc “trồng người” vì lợi ích lâu dài của đất nước.
Năm nay đã 53 năm sau ngày Bác Hồ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin, “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và điều kiện của cả xã hội cũng như của từng gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng trong cả nước theo lời dạy của Bác Hồ ngày càng tốt hơn.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì cũng đồng thời nảy sinh những bất cập. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ. Hàng ngày, vẫn còn xảy ra những vụ bạo hành, lạm dụng thiếu nhi, thậm chí có những vụ man rợ cướp đi rất thương tâm sinh mạng của con trẻ. Điển hình như vụ dì ghẻ hành hạ con chồng đến chết gây phẫn nộ trong dư luận ở thành phố Hồ Chí Minh mới đây. Nhiều nơi vẫn còn những thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn…
Làm sao để tất cả các cháu thiếu nhi cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, cùng được sung sướng... như mong mỏi của Bác Hồ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, mỗi người chúng ta trong việc thực hiện di huấn của Người.
Ngày Tết thiếu nhi 1/6 không chỉ là ngày tặng quà cho các em, tổ chức cho các em vui chơi mà còn là ngày nhắc nhở ý thức trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu nhi theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bình luận của bạn