Mối quan tâm của cộng đồng về dấu hiệu, triệu chứng và cách phòng ngừa tái phát đột quỵ khá cao (Ảnh: VnExpress)
Trong một buổi tư vấn trực tuyến về đột quỵ mới được tổ chức trong tháng 3, 4 chuyên gia nhận được hơn 700 câu hỏi của độc giả, trong đó mối quan tâm xoay quanh dấu hiệu và cách nhận biết đột quỵ, cũng như cách chăm sóc, phòng ngừa tái phát đột quỵ.
Đột quỵ không chỉ ở người già
Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông - Nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột quỵ có thể xảy đến với bất kỳ ai. Không chỉ là mối lo của người già, đột quỵ còn là sát thủ âm thầm, cướp đi tính mạng của cả người trẻ. Theo đó, đột quỵ là hậu quả tất yếu của quá trình không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có trước đó. Đa số người dân còn thiếu kiến thức về phòng bệnh, lơ là cảnh giác, thậm chí, các quý ông còn có tâm lý chủ quan trước các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ của cơ thể và lơ là trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.
Ông cũng nhấn mạnh, nhiều người lầm tưởng đột quỵ là trúng gió độc, nhiễm phong hàn, nhiễm lạnh đột ngột dẫn đến đột tử nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Đột quỵ trước khi khởi phát đã có một quá trình diễn tiến âm thầm và báo trước bằng những dấu hiệu nguy cơ liên quan đến bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, đau nửa đầu hay gánh chịu những hệ lụy từ cuộc sống hiện đại như căng thẳng, stress, mất ngủ, lạm dụng rượu bia...
Theo các chuyên gia, chức năng cơ thể suy giảm theo tuổi tác và những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc sống hiện đại như trên làm sản sinh rất nhiều gốc tự do (free radical). Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, gốc tự do tấn công làm tổn thương nội mạc mạch máu khiến thành mạch không còn trơn tru, tạo điều kiện thuận lợi xuất hiện các mảng xơ vữa khiến dòng máu lưu thông khó khăn, gây ra hiện tượng thiếu máu não. Đồng thời, khi mảng xơ vữa bong ra khỏi thành mạch sẽ gắn kết với các tế bào máu và các yếu tố khác hình thành các cục máu đông có thể kẹt lại tại nhiều vị trí trong mạch máu não, gây tắc mạch, thậm chí vỡ mạch làm xảy ra tình trạng đột quỵ não. Vì vậy, gốc tự do và xơ vữa mạch máu được xem là nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng đột quỵ.
Khám bệnh định kỳ khi có các bệnh lý mạn tính là phương thức phòng ngừa đột quỵ tốt nhất
Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, có những cách thức đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ đột quỵ dưới đây:
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì… bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.
Thay đổi lối sống: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, như tiêu thụ nhiều trái cây, rau, cá, ngũ cốc sạch, các sản phẩm sữa ít chất béo, đồng thời tránh những thức ăn quá ngọt, béo, thịt chế biến sẵn, món ăn quá mặn… nhằm đảm bảo trọng lượng cơ thể, tránh các vấn đề về rối loạn mỡ máu
Có kế hoạch làm việc hợp lý: Tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe… 30 - 60 phút mỗi ngày, 4 - 5 lần một tuần); hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá…để tránh làm sản sinh các gốc tự do - một trong những “sát thủ” nguy hiểm của mạch máu và tế bào thần kinh.
10 dấu hiệu đột quỵ
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, Canada đã đưa ra các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ. Đó là:
Khó nhìn hoặc nhìn mờ dần: Đột quỵ có thể gây ra nhìn mờ ở hai mắt hoặc có thể mất thị lực một mắt, nhưng biểu hiện này không dễ được người bên cạnh nhận ra như các triệu chứng yếu tay chân, tái mặt hay không thể nói. Khi đươc hỏi về các triệu chứng xảy ra trong một cơn đột quỵ, chỉ có 44% trong số 1.300 người Anh biết rằng mờ mắt là triệu chứng của đột quỵ.
Khó nói hoặc nhầm lẫn: Đột quỵ làm giảm khả năng thể hiện bản thân hoặc hiểu được lời nói.
Bị yếu cánh tay hoặc chân: Khi ai đó đang trong cơn đột quỵ thì một triệu chứng khá phổ biến là một cánh tay hoặc một chân sẽ dần yếu đi và bị tê liệt. Thường thì các chi bị liệt nằm ở phía đối diện của vùng não bị đột quỵ. Kiểm tra bằng cách mở rộng hai cánh tay trong vòng 10 giây. Nếu một cánh tay trôi xuống, cho biết bạn đang bị yếu cơ và chính là một dấu hiệu của cơn đột quỵ.
Chóng mặt hoặc mất thăng bằng: Nếu bạn chóng mặt, buồn nôn hoặc gặp khó khăn khi đi bộ, nhiều người có thể nghĩ rằng bạn đang say nhưng thực tế là bạn đang trong một cơn đột quỵ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, triệu chứng chóng mặt đột ngột là do hội chứng virus và có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ, tuy nhiên, nó rất dễ nhầm lẫn và khó phân biệt trong nhiều trường hợp.
Không nên di chuyển người bệnh có dấu hiệu đột quỵ
Đau: Đau không phải là triệu chứng đột quỵ điển hình. Nhưng nếu bạn thấy đau đột ngột ở cánh tay, một chân, một bên mặt hay một bên ngực, bạn không nên chủ quan mà bỏ qua nó. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ có những triệu chứng đột quỵ bất thường hơn nam giới, và phổ biến nhất là chứng đau.
Nhức đầu dữ dội: Một cơn đau đầu dữ dội và đột ngột có lẽ là triệu chứng nặng nhất và cũng khá phổ biến ở những người bị đột quỵ. Một nghiên cứu được thực hiện trên 588 người cho thấy những người đã từng có triệu chứng đau đầu khi bị đột quỵ thường là những người trẻ và có tiền sử đau nửa đầu. Phụ nữ có khả năng có triệu chứng đau đầu khi đột quỵ nhiều hơn nam giới.
Khuôn mặt ủ rũ: Đột nhiên khuôn mặt yếu dần và da nhợt nhạt chính là biểu hiện của một cơn đột quỵ. Để xác minh rõ ràng, nhân viên y tế sẽ thường yêu cầu bệnh nhân mỉm cười nếu khuôn mặt yếu dần, da chùng xuống, có nghĩa người đó đang ở trong cơn đột quỵ.
Thay đổi trạng thái tinh thần và mệt mỏi: Thiếu máu cục bộ trong não gây ra sự mệt mỏi tinh thần. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt về giới tính ở triệu chứng này. 23,2% phụ nữ thay đổi trạng thái tinh thần và cảm thấy mệt mỏi khi bị đột quỵ, trong khi đó, con số này ở đàn ông chỉ là 15,2%.
Cảm thấy bất ổn: Thông thường, thì đây chỉ là một biểu hiện nhỏ. Nhưng khi đột quỵ ảnh hưởng đến trung tâm não nó có thể gây ra những bất ngờ khôn lường.
Khó thở hay tim đập nhanh: Ở người bị đột quỵ, tim thường đập nhanh hoặc loạn nhịp, và dấu hiệu này thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn.
Dinh dưỡng hợp lý là một trong 3 lời khuyên các chuyên gia y tế dành cho người có nguy cơ đột quỵ cao
Khi gặp tình trạng này, người bệnh cần nằm yên một chỗ, gọi cấp cứu y tế để đưa bệnh nhân đến viện. Người bệnh không tự đi (dù có thể tự đi được) và tuyệt đối không đưa bệnh nhân đến viện bằng xe máy.
Với
người cao tuổi, có nguy cơ đột quỵ cao, phải đi khám bệnh định kỳ 3 tháng/lần để bác sỹ theo dõi, nắm bắt được diễn tiến sức khỏe, kê đơn phòng và điều trị bệnh mạn tính kèm theo.
Nên đọc
3 yêu cầu: Cười (yêu cầu người bệnh cười) - Nói (yêu cầu người bệnh nói một câu thông thường) - Đưa tay lên (yêu cầu người bệnh đưa hai tay lên cao) là một trong những phương thức phát hiện dấu hiệu người bị đột quỵ (đa phần là thể nhồi máu não).
Một phương thức nữa là yêu cầu người bệnh thè lưỡi ra, nếu lưỡi người bệnh bị vặn vẹo hoặc dính sang hai bên miệng thì người bệnh đã bị đột quỵ.
Khánh Hạ (H+)
Bình luận của bạn