Nguy cơ khi ăn thịt "cậu ông trời"

Cóc nếu không làm cẩn thận thì có thể khiến người ăn bị ngộ độc

Phòng tránh ngộ độc cóc

4 người bị ngộ độc do ăn cóc nướng, 1 người tử vong

Tử vong vì ăn thịt cóc

Ba bố con cùng bị ngộ độc vì ăn thịt cóc

Nhiều trường hợp tử vong vì ăn thịt cóc

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên cả nước thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị ngộ độc do ăn thịt cóc. Gần đây nhất là 4 người bị ngộ độc thịt có ở Trạm Tấu, Yên Bái vào ngày hôm qua 20/7. Theo người nhà bệnh nhân, sáng cùng ngày, gia đình bà Lò Thị Biều đã bắt hai con cóc nướng để cả nhà cùng ăn sáng. Bà Biều ăn phần nội tạng cóc nên bị ngộ độc nặng hơn và đã xảy ra trường hợp đáng tiếc trên. Hiện 3 bệnh nhân còn lại đã ổn định sức khỏe và được xuất viện. 

Ngày 24/5, ông Ngô Thanh Vinh, tại Quảng Ngãi đã bị tử vong ngay sau khi ăn thịt cóc. Ông Vinh có bắt được một con cóc và tự làm thịt để ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn thịt cóc xong, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng như đau đầu, bị choáng, nôn mửa và tím tái khắp người... Dù đã được cấp cứu nhưng ông không qua khỏi.

Vào ngày 12/5 vừa qua, ông Vi Văn Hương (Quỳ Châu, Nghệ An) cũng tự mình làm thịt cóc để ăn. Tuy vậy, chỉ sau có vài chục phút, ông Hương đã xuất hiện những triệu chứng bất thường như nôn ọe, ngộ độc và tử vong. Cũng tại Nghệ An, chị Nguyễn Thị Sơn do làm thịt cóc vẫn để nguyên trứng, nội tạng nên sau khi ăn đã bị ngộ độc và tử vong.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp bị tử vong do ăn thịt cóc trên địa bàn cả nước. Việc chế biến cóc không an toàn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt suy khỏe.

Lợi một hại mười khi ăn thịt cóc

Rất nhiều người ăn thịt cóc vì nghĩ nó bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Thị Kim Hưng – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào về công dụng của thịt cóc. Còn về dinh dưỡng, thịt cóc có nhiều đạm thật nhưng cũng không cao hơn thịt gà, các vi chất cũng không dồi dào so với những thực phẩm khác”.

Trên da cóc thường có nhiều nốt sần nổi lên trên bề mặt, trong đó chứa chất độc. Theo đó, nọc độc của cóc là loại độc tố tetrodotoxin. Đây chính là loại độc tố thần kinh, nếu ăn phải độc tố này sẽ xuất hiện triệu chứng nguy hại như tim đập nhanh, méo miệng, tăng huyết áp.

Ở gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc chứa rất nhiều bufotoxin - một chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Chất độc trong cóc không phân hủy khi đang đun nấu ở nhiệt độ cao do vậy, trong quá trình chế biến, chỉ cần chất độc dính vào thịt, da hoặc bất cứ bộ phận nào cũng có thể gây nguy hiểm.

Chất độc từ cóc khi ngấm vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến các hệ cơ quan như hệ thần kinh, tim mạch hệ tiêu hóa và tuần hoàn... Chất độc của cóc có sức tàn phá ghê gớm, thậm chí nếu trúng độc nghiêm trọng, cấp cứu không kịp thời, chỉ trong vòng 24 giờ có thể bị tử vong do suy kiệt hô hấp hay tuần hoàn.

Theo TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm: “Ngộ độc do độc tố cóc rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao. Đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra do chủ quan và thiếu kiến thức. Do đó, Cục An toàn Thực phẩm đã có khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành".
Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp