Dùng giấm táo cải thiện sức khỏe cần tránh tương tác với thuốc điều trị
Mẹo vệ sinh nhà bếp với giấm táo
Mẹo ngủ ngon khi mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu
Giảm cân bằng giấm táo
5 công dụng tuyệt vời của giấm táo trong chăm sóc sức khỏe
Giấm táo không chỉ là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc, mà còn được sử dụng theo đường uống để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với hàm lượng acid tự nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy uống giấm táo hỗ trợ giảm cân, ức chế cơn thèm ăn và ổn định đường huyết.
Tuy nhiên, người đang uống thuốc và thực phẩm chức năng nhất định cần thận trọng với việc uống giấm táo hoặc ăn kẹo dẻo giấm táo:
Thuốc hạ đường huyết
Nghiên cứu cho thấy giấm táo làm chậm quá trình tiêu hóa, đồng thời giúp cơ thể hấp thu carbohydrate hiệu quả hơn, từ đó tác động đến đường huyết. Người đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường không nên tự ý sử dụng giấm táo, do có nguy cơ hạ đường huyết nguy hiểm. Một vài loại thuốc quen thuộc gồm metformin, glipizide, insulin và semaglutide.
Thực phẩm chức năng chứa quế, trà xanh hay mướp đắng có công dụng ổn định đường huyết cũng không nên kết hợp với giấm táo.
Thuốc chống loạn nhịp digoxin
![Sử dụng giấm táo với liều lượng lớn làm mức kali hạ thấp, tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của digoxin như rối loạn nhịp tim](https://media.suckhoecong.vn/Images/2025/02/11/roi-loan-nhip-tim-4-15385757-250211153857.png)
Sử dụng giấm táo với liều lượng lớn làm mức kali hạ thấp, tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của digoxin như rối loạn nhịp tim
Hoạt chất digoxin là một glycoside tim, có tác dụng như thuốc chống loạn nhịp, chỉ định cho người bệnh suy tim, rung nhĩ. Sử dụng giấm táo với liều lượng lớn, có thể gây hạ kali máu. Mức kali hạ thấp sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ của digoxin như lú lẫn, khó thở, rối loạn nhịp tim, chán ăn, buồn nôn…
Người đang dùng digoxin kết hợp thêm giấm táo cần trao đổi với bác sĩ, kết hợp theo dõi nồng độ kali máu sát sao.
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu là loại thuốc được tạo ra với mục đích giúp tăng thải nước và chất điện giải như natri, kali ra khỏi cơ thể người thông qua đường tiểu. Người sử dụng giấm táo ở nồng độ cao có thể bị hạ kali máu. Khi kết hợp cùng thuốc lợi tiểu, tác dụng phụ này có thể gây ra triệu chứng mệt mỏi, chuột rút, rối loạn nhịp tim, yếu cơ.
Thuốc nhuận tràng kích thích
Thuốc nhuận tràng kích thích hoạt động theo cơ chế gây ra nhu động ruột, tăng co bóp và ức chế tái hấp thu nước ở ruột để cải thiện tình trạng táo bón. Thuốc senna (phan tả diệp), Bisacodyl, thực phẩm chức năng chứa hạt lanh hay dành dành thường có công dụng này.
Kết hợp thuốc nhuận tràng với giấm táo không đúng lúc cũng làm tăng nguy cơ hạ kali máu.
Cam thảo
![Kết hợp cam thảo và giấm táo có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu](https://media.suckhoecong.vn/Images/2025/02/11/main_2f457193-947a-4019-9311-73047b0a9e7d-15385716-250211153857.jpg)
Kết hợp cam thảo và giấm táo có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu
Rễ cam thảo là thảo dược thường được dùng để chống nhiễm trùng da, chữa sâu răng, ngừa viêm họng… Tuy nhiên, sử dụng cam thảo trong thời gian dài có thể làm tăng huyết áp và giảm nồng độ kali trong cơ thể. Lúc này, nếu bạn dùng thêm giấm táo, nồng độ kali có thể giảm đến mức nguy hiểm.
Cỏ tháp bút (Horsetail)
Cỏ tháp bút là loài cây chứa nhiều hoạt chất chống viêm và chống oxy hóa. Khi chiết xuất thành thực phẩm chức năng, sản phẩm có công dụng như thuốc lợi tiểu tự nhiên, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, cải thiện sức khỏe da, tóc và xương.
Tuy nhiên, tác dụng lợi tiểu mạnh của cỏ tháp bút có thể tương tác với giấm táo, khiến người dùng có nguy cơ hạ kali máu.
Trước khi sử dụng giấm táo để cải thiện sức khỏe, tốt hơn hết hãy trao đổi với bác sĩ để tránh tương tác tiêu cực với thuốc và thực phẩm chức năng bạn đang dùng.
Bình luận của bạn