10 cách giúp hệ bạch huyết hoạt động tốt

Hệ bạch huyết bao gồm vô số các mạch bạch huyết giúp vận chuyển dịch đi khắp cơ thể

WHO chứng nhận Việt Nam loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết

Trẻ nhỏ bị sưng hạch bạch huyết liệu có đáng lo?

Nguyên nhân khiến hạch bạch huyết bị sưng

Ốm đau liên miên: Cần tăng cường hệ bạch huyết!

Hệ bạch huyết là gì?

Hệ bạch huyết là một mạng lưới các mạch vận chuyển chất lỏng, chất dinh dưỡng và các tế bào miễn dịch đi khắp cơ thể. Ngoài ra, còn có vai trò loại bỏ các chất thải từ các mô, chất lỏng dư thừa trong khoảng trống giữa các tế bào, giữ cho các tế bào khỏe mạnh và giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Hệ bạch huyết hoạt động song song với hệ tim mạch để giữ cho bạn khỏe mạnh.

Điều gì xảy ra khi hệ bạch huyết không hoạt động bình thường?

Khi hệ bạch huyết hoạt động chậm chạp và không hiệu quả sẽ dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như: Tăng cân do giữ chất lỏng (đặc biệt thấy rõ ở mặt và bụng); Da sần vỏ cam - cellulite (chất béo lắng đọng dưới da); Đau nhức cơ bắp; Đau đầu, đau lưng; Sưng ở chân, mắt cá chân và mặt; Khả năng miễn dịch kém (bị ốm thường xuyên hơn); Căng da quanh ngón tay, bàn tay và bàn chân.

10 cách giúp hệ bạch huyết hoạt động khỏe mạnh

Uống nhiều nước

Cơ thể cần nước để duy trì sức khỏe tốt, hệ bạch huyết cũng không ngoại lệ. Nước giúp loại bỏ độc tố khỏi tế bào, từ đó giúp giải độc cơ thể. Mặc dù bạn có thể bổ sung nước từ nhiều nhiều chất lỏng khác nhau, nhưng nên ưu tiên uống nhiều nước lọc.

Ăn đủ chất xơ

Nạp đủ chất xơ giúp cải thiện sự di chuyển của chất lỏng qua đường tiêu hóa của bạn, giảm sưng ở chân và mắt cá chân bằng cách đào thải các chất dư thừa ra ngoài hiệu quả hơn. Thực phẩm giàu chất xơ gồm các loại rau lá xanh đậm, các loại trái cây và rau củ khác, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.

Vận động nhiều hơn

Lối sống lười vận động sẽ góp phần làm sưng hệ bạch huyết. Để hệ bạch huyết hoạt động tốt, bạn nên duy trì sự vận động thường xuyên. Bạn có thể đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc thử một số bài tập nhẹ như yoga hoặc thái cực quyền để giúp dịch bạch huyết chảy tự do khắp cơ thể.

Tập hít thở sâu

Các bài tập thở giúp giảm sưng và tăng lưu lượng dịch bạch huyết, có thể cải thiện khả năng chống lại bệnh tật của hệ miễn dịch. Hãy tập hít thở sâu 5 phút mỗi ngày, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Bạn có thể thực hiện khi nằm hoặc ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt trên sàn và hai tay đặt trên đùi.

Tránh thực phẩm gây ức chế bạch huyết

Một số loại thực phẩm có thể ngăn chặn hoạt động của hệ bạch huyết. Do đó bạn cần tránh, đặc biệt nếu bạn đang bị sưng hạch. Các thực phẩm này gồm thịt nhiều chất béo, phô mai và các sản phẩm từ sữa khác, đồ chiên rán và thịt chế biến sẵn. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau củ cũng như protein nạc như cá.

Tắm nước ấm và nước lạnh

Theo Thạc sĩ bác sĩ Jennifer Weinberg (Đại học Pennsylvania, Mỹ) tắm nước ấm và nước lạnh có thể giúp giảm sưng hạch bạch huyết, kích thích hệ bạch huyết và loại bỏ độc tố. Bạn hãy thử xen kẽ giữa nước nóng và nước lạnh: 30 giây đầu tắm nước lạnh, bắt đầu từ dưới chân trước rồi từ từ đưa vòi nước lên thân trên. 30 giây kế tiếp chuyển sang nước ấm. Sau đó lại chuyển về tắm nước lạnh trong 30 giây.

Lưu ý, việc áp dụng phương pháp này phụ thuộc vào cơ địa và sức khỏe hiện tại của từng người. Người già, trẻ em và người có sức khỏe ốm yếu không nên thử, đặc biệt là vào những ngày mùa đông. Không nên chuyển sang tắm nước lạnh một cách đột ngột. Thay vào đó, hãy đứng dưới vòi nước ấm trước, từ từ hạ dần nhiệt độ rồi mới bắt đầu quy trình trên.

Chải khô

Chải da khô cũng là một cách giúp ích cho hệ bạch huyết. Sử dụng bàn chải chất liệu tự nhiên và chải trong khi da hoàn toàn khô ráo, vào buổi sáng và buổi tối trước khi tắm. Điều này giúp kích thích lưu thông và có thể giảm sưng hạch.

Massage lưu dẫn  bạch huyết

Massage lưu dẫn bạch huyết là một kỹ thuật xoa bóp được thực hiện bởi kỹ thuật viên trị liệu với các động tác kích thích các hạch bạch huyết trên toàn bộ cơ thể, giúp giảm sưng hạch bạch huyết. Bạn nên đến spa hoặc một trung tâm chăm sóc sức khỏe để được massage giúp giảm đau sưng hạch bạch huyết, cơ bắp hay khớp.

Quản lý căng thẳng

Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến gây sưng hạch, vì vậy cần kiểm soát căng thẳng. Bạn cần dành thời gian mỗi ngày để thư giãn, thiền định, tập yoga hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào giúp bạn thư giãn khỏi những căng thẳng trong cuộc sống.

Chọn sản phẩm tự nhiên và hữu cơ

Bất cứ khi nào có thể, hãy chọn các sản phẩm tự nhiên, hữu cơ để sử dụng hàng ngày. Tránh sử dụng hóa chất mạnh, nước hoa tổng hợp và các thành phần khác có thể gây kích ứng da. Ưu tiên dùng mỹ phẩm tự nhiên, ăn thực phẩm hữu cơ để tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu và các chất có hại khác.

Uống trà thảo mộc

Có nhiều loại trà thảo mộc giúp thúc đẩy dòng bạch huyết như trà rễ bồ công anh, trà gừng và trà lá tầm ma. Uống một tách trà thảo mộc yêu thích trước khi đi ngủ để giúp giữ cho hệ bạch huyết khỏe mạnh và ngăn ngừa sự tắc nghẽn.

 
Nguyễn Thanh (Theo MSN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Huyết học