Muốn khỏe, hãy ăn đúng giờ


Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc đảm bảo ăn đúng giờ sẽ làm cho chất béo không bị lưu trữ trong cơ thể và quá trình trao đổi chất ổn định hơn.

Những cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu chất béo và thói quen ăn uống không điều độ sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể. Việc này có thể làm tăng nguy cơ béo phì.

GS. Oren Froy, Trường Đại học Hebrew (Jerusalem, Israel), cho biết, cải thiện quá trình trao đổi chất bằng cách tuân thủ thời gian biểu các bữa ăn mà không cần hạn chế các loại thực phẩm trong thực đơn hằng ngày có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị nhằm ngăn chặn tình trạng béo phì.

Vào đầu các bữa ăn, nên chọn rau sống: Trong rau sống có chứa 92% nước, lại ít năng lượng, chỉ có 13kcal/100gr và 0,5% chất béo.

Ăn rau sống vào đầu các bữa ăn giúp no bụng và cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin E, B và C. Tuy nhiên, cần chú ý, nếu thêm vào món rau sống một ít dầu giấm sẽ làm tăng lượng kcal và chất béo, cứ một muỗng súp dầu giấm chứa 75kcal.

Ăn đều đặn cách nhau từ 4 - 5 giờ đồng hồ/bữa: Nghiên cứu cho biết, tốt nhất những bữa ăn đều đặn cần cách nhau từ 4 - 5 giờ và nên ăn nóng ít nhất một bữa trong ngày.

Những món ăn nóng làm tăng hấp thu dưỡng chất, cơ thể không phải mất năng lượng để hâm nóng thức ăn trong quá trình tiêu hóa.

Ăn giặm trái cây vào buổi sáng hoặc buổi chiều: Ăn trái cây giữa các bữa ăn chính trong ngày vì trái cây vừa dồi dào chất xơ, khoáng chất, vitamin, vừa nhiều nước, đường fructose nên làm no bụng lại cung cấp nhiều năng lượng.

Ăn trái cây giữa bữa là cách bổ sung nguồn rau tươi mà cơ thể có khuynh hướng bị thiếu hụt trong các bữa ăn chính.


Ăn nhiều chất đạm sau 17 giờ:
Những thực phẩm chứa nhiều chất đạm như cá, thịt gà và các loại đậu... thường làm cho cơ thể no lâu hơn so với tinh bột như bánh mì, cơm, mì sợi...

Tuy nhiên, cũng cần ăn tinh bột để bổ sung dưỡng chất cho cơ bắp khi ngủ và mang lại cảm giác sảng khoái khi thức giấc vào ngày hôm sau.

Hạn chế ăn uống nhiều vào buổi chiều và tối: Nếu ăn nhiều vào thời điểm từ 16 - 19 giờ thì chức năng của gan có thể phản ứng tiêu cực, lượng glucose trong máu tăng và gây nên những cơn đau đầu, mất tập trung.

Ưu tiên tinh bột bữa tối: Sau một ngày hoạt động, cơ thể cần dung nạp lượng chất bột làm no mà không gây nặng bụng, như bánh mì, mì, cơm, khoai... nhưng tránh ăn nhiều từ 23 giờ trở đi.

Uống nước cam trong hoặc sau điểm tâm: Cam chứa nhiều vitamin C, từ 50 - 60mg/100gr, nhưng tránh ăn cam hay uống nước cam khi bụng đói do cam giàu acid citric nên dễ làm xót bao tử và có thể gây đau bao tử. Vì thế, hãy bắt đầu bữa sáng bằng một thức ăn nhẹ rồi hãy dùng cam.


Khi cần tráng miệng nên chọn món bánh ngọt:
Bánh ngọt khi được ăn vào cuối bữa ăn sẽ lẫn vào thức ăn có trong bao tử, vì thế mặc dù có chứa chất béo và đường nhưng không ảnh hưởng sức khỏe.

Nhưng nếu thường ăn vặt đồ ngọt trong ngày sẽ làm tăng lượng insuline trong máu, kích thích cảm giác ngon miệng và năng lượng dung nạp sẽ được tích tụ trong cơ thể dưới dạng mỡ.

Ăn sáng đúng giờ: Ăn sáng giúp kích thích hoạt động của não bộ và thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

Tránh thói quen ăn uống theo cảm tính: Việc ăn uống thoải mái trong ngày hôm trước và nhịn ăn hoặc ăn thật ít vào ngày kế tiếp có khuynh hướng dẫn đến ăn uống thất thường, làm cơ thể bị động đốt cháy năng lượng. Chế độ ăn này có tác dụng giảm thể trọng trước mắt nhưng sẽ tăng cân trở lại sau đó.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp