Vì sao ngón tay bị sưng phồng?
Tay bị đổ mồ hôi: Thời tiết oi nóng mùa hè khiến cho các mạch máu phải giãn nở để "tản nhiệt" cho cơ thể. Khi mạch máu giãn nở, một số chất dịch trong máu có thể thoát ra, thấm vào các mô mềm và gây sưng. Tình trạng sưng sẽ giảm đi khi tay hoạt động. Tuy nhiên, nếu tay không trở về trạng thái bình thường mà kèm theo đau, đây có thể là dấu hiệu nghiêm trọng, bạn nên đi khám.
Ăn quá nhiều muối: Các món ăn mặn, đồ ăn vặt nhiều muối có thể khiến tay bạn sưng to như một cái xúc xích. Bởi vì cơ thể luôn điều chỉnh để cân bằng giữa muối và nước, khi lượng muối tăng lên, cơ thể sẽ tích nước - đây chính là nguyên nhân gây sưng.
Viêm khớp: Nếu các khớp ngón tay bị sưng to, có thể bạn đang bị viêm khớp - căn bệnh liên quan đến tuổi tác. Bệnh viêm khớp thường kèm theo đau và cứng khớp.
Hội chứng ống cổ tay: Khi các dây thần kinh dẫn từ cổ tay đến lòng bàn tay bị chèn ép, hội chứng ống cổ tay có thể xuất hiện, gây ra các triệu chứng như: Đau, rát, ngứa ran hoặc tê bàn tay. Các triệu chứng phát triển chậm theo thời gian, phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn 3 lần so với nam giới.
Phù bạch huyết: Khi dịch bạch huyết (thực chất là chất thải, virus và vi khuẩn bên ngoài cơ thể) không được thải ra ngoài cơ thể, bạn có thể bị sưng ở ngón tay, bàn tay và cả bàn chân. Tình trạng phù bạch huyết thường xảy ra sau phẫu thuật hoặc xạ trị ung thư vú, đôi khi là do sự tăng trưởng bất thường của hệ bạch huyết.
Bệnh Raynaud: Thường xảy ra khi mạch máu bị hẹp do thời tiết lạnh hoặc stress khiến lượng máu lưu thông đến bàn tay bị giảm. Bệnh Raynaud có thể gây tê bì, đau buốt , các đầu ngón tay chuyển dần từ trắng bệch sang màu xanh...
Tiền sản giật: Sưng, phù là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sưng ở ngón tay và mặt, kèm theo tăng huyết áp có thể là báo động đỏ của tiền sản giật. Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.