Phòng tai nạn thương tích cho trẻ bị động kinh

Trẻ động kinh dễ bị chấn thương khi lên cơn

Sai lầm của phụ huynh trong điều trị động kinh ở trẻ

Dấu hiệu và cách xử lý trẻ lên cơn co giật do động kinh

Trẻ động kinh ăn gì để chống co giật?

Trẻ mắc bệnh động kinh do ngã đập đầu xuống đất

Theo TS. Lê Văn Tuấn - Đại học Y Dược TP.HCM, cơn động kinh được định nghĩa là tình trạng bệnh lý ở não, đặc trưng bởi sự phóng lực quá mức, đồng bộ và tạm thời của một nhóm các neuron trong não, có những triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích. Một bệnh nhân được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất hai cơn động kinh, nếu chỉ có một cơn duy nhất thì chưa gọi là động kinh.

Bệnh động kinh được y học xác định là bệnh rất nguy hiểm, có thể để lại nhiều di chứng hoặc thậm chí gây tử vong cho trẻ. Do vậy, việc chăm sóc trẻ bị động kinh và phòng tránh các tai nạn khi trẻ lên cơn động kinh là điều vô cùng quan trọng.

Xử trí, phòng ngừa chấn thương khi trẻ lên cơn động kinh

Các bà mẹ thường rất lúng túng và hoảng sợ khi trẻ đột nhiên bị ngã lăn ra bất tỉnh, co giật toàn thân, sùi bọt mép, tiểu ra quần... Hầu hết những trường hợp này là dấu hiệu của chứng sốt cao co giật hay động kinh, xuất phát từ sự rối loạn chức năng não hoặc là hậu quả của việc chấn thương đầu, thiếu oxy hoặc nhiễm độc. Đối với từng nguyên nhân sẽ có cách xử trí khác nhau, vì thế, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân thông qua điện não đồ, chẩn đoán hình ảnh.

Cần xử trí đúng cách khi trẻ lên cơn động kinh để phòng ngừa chấn thương

Trẻ có thể cần điều trị cấp cứu nếu lên cơn động kinh có đặc điểm sau:
- Kéo dài hơn năm phút.
- Cơn động kinh diễn biến một cách khác thường so với cơn động kinh trước.
- Một chuỗi cơn động kinh xảy ra liên tục cùng lúc; trẻ hôn mê vài phút sau cơn động kinh.
- Sau cơn động kinh môi và da trẻ trở nên xanh tái do thiếu oxy.

Theo BS. Lê Thị Khánh Vân - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trẻ mắc bệnh thường ngất trong giây lát kèm theo giật cơ. Các bộ phận thường co giật là tay, đầu, cổ. Một số bé đang cầm đồ vật thì đánh rơi trong vô thức, đầu gật nhẹ, ngón tay máy liên tục. Cũng có khi bé la hét, ói mửa hoặc tím tái thoáng qua. “Nếu người lớn không biết cách xử trí, người lớn có thể gây hại cho bệnh nhi”, BS. Vân nói.

Bước xử trí ban đầu rất quan trọng. Cha mẹ không nên hốt hoảng quá mức, tránh tụ tập quá đông quanh bé, không được cố đè để kiềm chế cơn co giật, không vắt chanh vào miệng, cạo gió, cạy răng hoặc chèn muỗng đũa vào miệng trẻ.

Khi bé bị lên cơn co giật, điều cần làm là đặt bé nằm ở nơi rộng rãi, đầu hơi nghiêng sang một bên. Bệnh nhi cũng cần được nới lỏng quần áo, khăn quàng cổ, tránh va đập cơ thể vào vật cứng.

Sau khi cơn động kinh kết thúc, hãy để trẻ nghỉ ngơi đồng thời kiểm tra và chữa trị các chấn thương nếu có. Không nên cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho đến khi trẻ hoàn toàn tỉnh táo.

Phụ huynh cũng cần ghi nhận đặc điểm của cơn co giật như thời gian co giật, kiểu co giật, biểu hiện của bé trong và sau cơn co giật. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ co giật trên 10 phút, bệnh nhân không tỉnh, rối loạn nhịp thở.

Ngoài ra, các bâc cha mẹ cần ghi lại nhật ký về diễn biến của tất cả cơn động kinh cũng như các vấn đề có thể gây ra các cơn động kinh ở trẻ như: Tình trạng thiếu ngủ, sốt cao, bệnh tật và căng thẳng…

Các chuyên gia thần kinh cho biết, nhiều trẻ bị động kinh xảy ra các tai nạn đáng tiếc như đuối nước, tai nạn xe, ngã chấn thương, cắn vào lưỡi… khi lên cơn. Trong đó hầu hết các bệnh nhân này đều thiếu sự giám sát, chăm sóc sát sao của người thân. Đây là một lời cảnh báo cho người lớn khi có con, em bị bệnh động kinh. Với trường hợp này, nên hạn chế cho trẻ đi, chơi một mình tại các nơi có khả năng nguy hiểm như bờ hồ, sông suối. Không để trẻ đi xe một mình, trèo cây, chơi các trò tốc độ cao…

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng và trạng thái cảm xúc cũng rất quan trọng để ngăn chặn cơn động kinh tái phát. Nên cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, các thức ăn lành tính, hạn chế các chất kích thích như cay, nóng, đồ uống có men. Ngoài ra, người thân cần hướng dẫn trẻ đi ngủ đúng giờ, đủ giấc. Đối với trẻ bị bệnh động kinh, nên tập những bài tập có động tác nhẹ nhàng, tập đều hàng ngày. 

Tuệ Nhi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ