Những món ngon với lá lốt giúp tán hàn, giảm đau mùa lạnh

Công dụng của lá lốt là làm ấm bụng, trừ lạnh, phù hợp cho các món ăn mùa Đông

Lợi ích bất ngờ khi thêm hạt tiêu đen vào chế độ ăn

Một số gia vị, thảo dược tự nhiên giúp tăng lưu thông máu tới tim

6 loại gia vị quen thuộc giúp giảm mỡ bụng hiệu quả

Khử mùi hôi miệng hiệu quả tại nhà với gia vị quế

Công dụng của loài cây dân dã

Ở nước ta, lá lốt là cây thân thảo mọc hoang phổ biến ở nơi ẩm ướt. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có 5 gân chính vòng cung tỏa ra từ cuống lá. Thuộc họ hồ tiêu, lá lốt cũng có nhiều tinh dầu tạo nên mùi thơm đặc trưng cùng tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa.

Theo y học cổ truyền, lá lốt có tính ấm, vị cay, với những công dụng như làm ấm bụng (ôn trung), trừ lạnh (tán hàn) và giảm đau (chỉ thống). Còn theo y học hiện đại, lá lốt chứa nhiều dưỡng chất thực vật như alkaloid, flavonoid, lignan và steroid. Trong đó, các alkaloid như piperin, piperidin, piplartin có tác dụng giãn mạch máu, làm ấm cơ thể.

Lá lốt mọc hoang và cũng được nhiều gia đình trồng làm rau gia vị

Lá lốt mọc hoang và cũng được nhiều gia đình trồng làm rau gia vị

Nhờ vị cay, tính ấm nên lá lốt xuất hiện trong nhiều bài thuốc cổ truyền cho bệnh đau nhức xương khớp, ngâm chân hoặc xông hơi giải cảm. Các thí nghiệm trên động vật và tế bào cho thấy, dịch chiết từ cây lá lốt có nhiều tác dụng dược lý tiềm năng như kháng khuẩn, chống nấm, chống loãng xương, chống trầm cảm, chống viêm, kiểm soát nguy cơ xơ vữa động mạch và ung thư.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, sử dụng lá lốt đúng cách ở liều lượng phù hợp với cơ địa của mỗi người thì đây là vị thuốc rất tốt. Dùng quá liều lượng có thể gây độc cho cơ thể. Rễ, quả của cây lá lốt nếu muốn dùng làm thuốc phải có chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền. Phụ nữ có thai và đang cho con bú nên hạn chế sử dụng lá lốt. 

Những món ăn ngon với lá lốt

Không chỉ là vị thuốc nam, lá lốt được sử dụng rộng rãi như gia vị trong vườn nhà. Nhiều món ăn không thể hoàn thiện nếu thiếu đi rau nêm là lá lốt. 

Lá lốt là 1 trong 10 loại rau bổ dưỡng có trong món canh rau thập toàn ở xứ Huế, sau đã đọc trại thành canh rau tập tàng. Món canh này thường được nấu với tôm, tép hoặc cua đồng, cùng một vài loại rau tính mát như mồng tơi nên cần có lá lốt để cân bằng. 

Nhiều món ăn làm từ ốc, lươn hay ếch cũng không thể thiếu lá lốt, một phần để khử mùi tanh, tăng hương vị, một phần giúp cân bằng tính hàn của những nguyên liệu có nguồn gốc dưới nước. Điều này giúp cho món ăn không chỉ ngon miệng mà còn tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ gây lạnh bụng, đặc biệt vào những ngày thời tiết se lạnh.

Lá lốt còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp bù đắp những hạn chế về sức khỏe khi ăn thực phẩm tính hàn vốn dễ gây đầy bụng hoặc khó tiêu như măng. 

Một vài món ăn với lá lốt vừa ngon miệng lại hỗ trợ đẩy lùi cái lạnh mùa Đông:

Chả lá lốt

Chả lá lốt hao cơm ngày trời lạnh

Chả lá lốt hao cơm ngày trời lạnh

Thịt lợn băm nhuyễn, trộn với hành tím, gia vị, gói trong lá lốt, sau đó được rán hoặc nướng là món ăn gia đình phổ biến.

Bò nướng lá lốt

Thịt bò băm nhỏ, ướp gia vị, gói trong lá lốt rồi nướng chín. Món này thường được ăn kèm bún, bánh tráng và nước mắm nêm, mang đến một hương vị không thể nào quên khi được thưởng thức. 

Người thích phiên bản nhanh gọn có thể thử công thức thịt bò hoặc thịt trâu xào với lá lốt.

Ốc om chuối đậu

Ốc được làm sạch, nấu cùng lá lốt, chuối, đậu tạo nên một món ăn đậm đà, dậy mùi thơm đặc trưng.

Lươn cuốn lá lốt

Món lươn cuộn lá lốt hấp dẫn lạ miệng

Món lươn cuộn lá lốt hấp dẫn lạ miệng

Lươn được làm sạch, lấy lượng thịt băm vừa đủ cho lên thịt lươn rồi cuộn lại. Đặt lươn vừa cuộn lên lá lốt để cuốn chặt rồi cố định cuốn lươn bằng tăm tre, mang đi chiên hoặc nướng.

Trứng chiên lá lốt

Lá lốt thái nhỏ, trộn với trứng rồi chiên là có món ăn nhanh gọn, thơm ngon.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng