Tại sao sống trong gia đình nhiều thế hệ lại mang đến lợi ích toàn diện cho sức khỏe?

Mô hình gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau thường được xem là đặc trưng truyền thống ở các nước châu Á

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đừng để đến ngày gia đình mới nghĩ tới gia đình”

Những hoạt động cùng người thân giúp ngày Gia đình Việt Nam thêm ý nghĩa

"Bữa cơm gia đình - ấm áp yêu thương"

Người báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình sẽ được giữ bí mật

Gia đình nhiều thế hệ là gì?

Gia đình nhiều thế hệ (hay gia đình ba, bốn thế hệ) là mô hình gia đình truyền thống, nơi nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái ấm, bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái và vợ/chồng của họ. Trong cấu trúc này, các thành viên chia sẻ tài nguyên, trách nhiệm và cùng nhau đưa ra quyết định cho gia đình.

Lợi ích của việc sống trong gia đình nhiều thế hệ

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trẻ em sống trong gia đình nhiều thế hệ có sức khỏe tâm thần tốt hơn so với trẻ em sống trong gia đình hạt nhân (bao gồm cha mẹ và các con). Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Public Health (Vương quốc Anh) vào năm 2021 cho thấy trẻ em sống trong gia đình nhiều thế hệ có tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý thấp hơn và có khả năng thích nghi tốt hơn với những khó khăn trong cuộc sống.

Ngoài ra, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí sức khỏe Vị thành niên (Hà Lan) vào năm 2022 cũng chỉ ra rằng trẻ em có sự gắn kết gia đình cao hơn thường có ít than phiền về tâm lý và hài lòng với cuộc sống hơn so với trẻ em có sự gắn kết gia đình thấp. Mức độ gắn kết gia đình cao được thể hiện qua sự chia sẻ, quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Mặc dù loại hình gia đình truyền thống này đang dần bị thay thế bởi sự phổ biến của loại hình gia đình khác, tuy nhiên việc sống trong một gia đình nhiều thế hệ vẫn mang lại một số lợi ích đáng kể, bao gồm:

1. Sự hỗ trợ lẫn nhau

Với nhiều thế hệ cùng chung sống, các thành viên trong gia đình có sẵn một mạng lưới hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất. Điều này đặc biệt hữu ích trong những giai đoạn khó khăn như khi gặp căng thẳng, ốm đau, hay những giai đoạn chuyển đổi cuộc sống quan trọng như kết hôn hoặc mang thai. Nhờ sự hỗ trợ lẫn nhau, các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng vượt qua những thử thách và chia sẻ niềm vui trong cuộc sống.

2. Giảm bớt gánh nặng

Việc chia sẻ trách nhiệm chăm sóc trẻ em, quán xuyến việc nhà và chăm sóc cho người cao tuổi trong gia đình giữa nhiều thành viên giúp giảm bớt gánh nặng cho mỗi cá nhân. Nhờ đó, mọi người có thêm thời gian cho bản thân, theo đuổi sở thích cá nhân và phát triển bản thân.

3. Học hỏi giữa các thế hệ

Sống trong một gia đình nhiều thế hệ tạo điều kiện cho sự chia sẻ kiến thức và kỹ năng giữa các thế hệ. Trẻ em có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm và chuyên môn của người lớn tuổi, trong khi thế hệ già hơn có thể cập nhật các xu hướng văn hóa mới thông qua các thành viên trẻ.

4. Nâng cao sức khỏe tinh thần

Sống trong gia đình nhiều thế hệ giúp các thành viên cảm thấy được yêu thương, quan tâm và có chỗ dựa tinh thần vững chắc. Điều này góp phần nâng cao sức khỏe tinh thần và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý.

5. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Việc chung sống trong một gia đình đa thế hệ đòi hỏi kỹ năng giao tiếp hiệu quả, tinh thần thỏa hiệp và khả năng giải quyết vấn đề tốt. Quá trình này giúp rèn luyện các kỹ năng quan hệ giữa các cá nhân và nâng cao trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI).

6. Tăng sự đồng hành và tương tác xã hội

Có nhiều thành viên gia đình cùng sinh sống mang đến sự gắn kết xã hội liên tục. Điều này đặc biệt có lợi cho trẻ nhỏ và người cao tuổi, giúp giảm nguy cơ cô đơn và cô lập khỏi cộng đồng.

Bên cạnh những lợi ích kể trên, sống trong gia đình nhiều thế hệ cũng có một số hạn chế nhất định cần được cân nhắc, ví dụ như gặp khó khăn trong tổ chức sinh hoạt hàng ngày, gây nên sự gò bó, dễ nảy sinh va chạm… Tuy nhiên, với sự thấu hiểu, tôn trọng và chia sẻ giữa các thế hệ, những hạn chế này hoàn toàn có thể được khắc phục để xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững.

Làm thế nào để vun đắp tình cảm trong gia đình nhiều thế hệ?

Không phải gia đình nhiều thế hệ nào chung sống cũng có mối quan hệ gắn bó khăng khít. Để vun đắp tình cảm trong những gia đình này, cần có sự nỗ lực chủ động, giao tiếp cởi mở và sẵn sàng thấu hiểu những ý kiến khác biệt. Dưới đây là một số cách thức hiệu quả:

  • Dành thời gian chất lượng bên nhau: Thường xuyên tổ chức các hoạt động chung như họp mặt gia đình, ăn uống cùng nhau hoặc tham gia các hoạt động giải trí. Những khoảnh khắc quý giá này giúp gắn kết các thành viên và tạo dựng những kỷ niệm đẹp.
  • Phân chia rõ ràng vai trò, trách nhiệm và ranh giới: Việc phân công cụ thể giúp tránh mâu thuẫn và duy trì hòa bình trong gia đình.
  • Khuyến khích giao tiếp cởi mở và tôn trọng: Mỗi thành viên đều có cơ hội chia sẻ suy nghĩ và được lắng nghe một cách chân thành.
  • Cùng nhau chia sẻ niềm vui trong những thành công và cột mốc cá nhân: Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết và niềm tự hào chung của gia đình.
  • Trân trọng và gìn giữ truyền thống gia đình: Ví dụ như những chuẩn mực đạo đức, tâm lý tình cảm, hành vi ứng xử được các gia đình gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ,...
  • Tôn trọng sự đa dạng và độc đáo của mỗi thành viên: Nhận thức và trân trọng những điểm khác biệt giúp gia đình phát huy sức mạnh tổng hợp và tạo nên trải nghiệm sống ý nghĩa cho tất cả mọi người.

Bằng cách áp dụng những gợi ý trên, mỗi thành viên trong gia đình nhiều thế hệ có thể chung tay vun đắp một mái ấm tràn đầy yêu thương, sự tôn trọng và gắn kết, từ đó mang đến hạnh phúc và niềm vui cho tất cả.

 
Việt An (Theo Healthshots)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa