Lưu ý khi chăm sóc F0 là trẻ nhỏ

Trẻ nhiễm biến thể Omicron thường có triệu chứng sốt cao

Một vài lưu ý khi chăm trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

F0 mới cả nước giảm, bé gái vượt cửa tử sau 80 ngày thở ECMO

Vì sao F0 triệu chứng nhẹ vẫn bị đau ngực, khó thở, hụt hơi sau âm tính?

Cả nước còn 5 tỉnh "vùng cam", hướng dẫn mẹ là F0 cho con bú

Theo dõi sát sao triệu chứng

Tại buổi hội thảo online “Hậu COVID – Hiểu đúng để không lo lắng” diễn ra vào tuần trước, BS Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai cùng với các chuyên gia, diễn giả chia sẻ kinh nghiệm điều trị và chăm sóc người bệnh F0.

Bác sỹ là người có kinh nghiệm phòng, chống dịch tại TP.HCM (trong thời kỳ biến thể Delta) và hiện tại đang tham gia tư vấn, điều trị online, thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại Hà Nội để hỗ trợ F0. Từ trải nghiệm của mình, bác sỹ nhận định, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng F0 là trẻ em tăng đột biến và chủ yếu là nhiễm biến thể Omicron.

Theo ghi nhận của các tổ chức y tế uy tín, có 11 triệu chứng COVID-19 thường gặp ở trẻ gồm: Sốt, ớn lạnh; Ho; Thở nhanh/khó thở; Mệt mỏi; Đau người, đau cơ; Đau đầu; Mất vị giác, khứu giác; Đau họng; Phù nề/chảy nước mũi; Nôn/buồn nôn; Tiêu chảy/đau bụng.

BS Đỗ Tuấn Anh chia sẻ những lưu ý khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà

BS Đỗ Tuấn Anh chia sẻ những lưu ý khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà

Nếu chia ra về mặt nhóm bệnh, có 2/3 số trẻ nhiễm Omicron gặp triệu chứng đường hô hấp. Sốt cao là biểu hiện rõ ràng nhất, đặc biệt là trẻ sốt từ 39,5-40 độ C, đáp ứng hạ sốt kém. Biến chứng hay gặp là viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

1/3 số trẻ mắc COVID-19 có biểu hiện đường tiêu hóa. Những biểu hiện như nôn, đau bụng cũng khiến phụ huynh lo lắng và đưa con đi khám nhiều hơn. Cũng có trường hợp trẻ có cả triệu chứng tiêu hóa và hô hấp, nhưng ít gặp hơn (chiếm 1/10).

Việc điều trị COVID-19 cho trẻ tại nhà cần tuân theo 4 nguyên tắc: Thứ nhất là phân loại mức độ bệnh, thứ hai là điều trị các triệu chứng, thứ ba là cá thể hóa các biện pháp điều trị, thứ tư là theo dõi phát hiện và xử trí khi bệnh có diễn tiến khác.

Khi theo dõi trẻ mắc COVID-19 tại nhà, phụ huynh thường liên lạc với nhân viên y tế qua điện thoại, video call hoặc nền tảng Telehealth. Khi đó, những thông số cơ bản mà phụ huynh cung cấp sẽ giúp bác sỹ phân loại mức độ bệnh chính xác hơn, quan trọng nhất là tần số thở (nhịp thở) và độ bão hòa oxy.

Dùng thuốc đúng và an toàn

Mục tiêu của việc điều trị là phải đảm bảo an toàn và đúng. Yếu tố đúng là đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều và đúng liệu trình. Còn an toàn là sử dụng thuốc hợp lý và đúng, để tránh lạm dụng thuốc, tăng tác dụng phụ, và tương tác thuốc.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nên diễn biến bệnh rất nhanh, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi chưa tiêm vaccine. Từ kinh nghiệm của BS Đỗ Tuấn Anh, việc theo dõi diễn biến bệnh COVID-19 ở trẻ cần tính theo giờ. Trẻ mắc COVID-19 có thể xuất hiện những vấn đề nguy hiểm, đỉnh cao chuyển biến nặng là từ ngày thứ 4 trở đi. Khi đó, phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu triệu chứng lâm sàng của trẻ. Đặc biệt, mất nước là triệu chứng hay gặp ở F0 sốt cao hoặc có biểu hiện tiêu hoá (tiêu chảy, đau bụng, nôn).

Bù dịch cho trẻ kịp thời để đề phòng nguy cơ mất nước do sốt cao, Tiêu chảy

Bù dịch cho trẻ kịp thời để đề phòng nguy cơ mất nước do sốt cao, tiêu chảy

Trẻ nhỏ chưa được sử dụng thuốc kháng virus như người lớn. Do đó, trẻ mắc F0 chỉ có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng, kết hợp chăm sóc hỗ trợ bằng cung cấp dinh dưỡng và bổ sung nước đầy đủ.

BS Đỗ Tuấn Anh chia sẻ, có nhiều ông bố, bà mẹ chuẩn bị quá nhiều thuốc mà không phù hợp với lứa tuổi, cân nặng và diễn biến bệnh của trẻ. Nhiều người kết hợp nhiều thuốc có tác dụng trùng lặp, làm tăng độc tính cũng như các tác dụng phụ.

Thậm chí, nhiều gia đình còn lạm dụng thuốc bổ và vitamin (vitamin D, C), khiến trẻ có dấu hiệu mất ngủ, cáu kỉnh, kích thích về đêm. Trong quá trình điều trị, nếu bố mẹ kết hợp quá nhiều thuốc hạ sốt không đúng chỉ định, trẻ có thể bị tăng men gan sau khi khỏi bệnh.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tuân thủ liệu trình được bác sỹ kê đơn, không vì trẻ hết triệu chứng mà ngừng thuốc. BS Đỗ Tuấn Anh khẳng định, các bậc phụ huynh đừng mong chờ tìm kiếm đơn thuốc có thể dành cho tất cả bệnh nhi F0.

Sau khi khỏi bệnh, F0 là trẻ em cũng cần thời gian để phục hồi và có thể gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Bác sỹ chia sẻ, có đến 39% trẻ mắc Omicron có biểu hiện khàn tiếng, viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản. Triệu chứng này đặc biệt dễ xuất hiện ở trẻ có bệnh lý dị ứng (hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng). Để hỗ trợ trẻ phục hồi, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi của trẻ. Lưu ý cho trẻ dùng các loại đồ ăn thức uống nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu hóa; Hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử ngoài giờ học… 

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ