Bảo quản các loại thực phẩm dễ hỏng thế nào khi dã ngoại?
5 dấu hiệu đồ ăn dã ngoại đã bị hỏng
Dùng bình giữ nhiệt sao cho an toàn?
Mẹo giữ lạnh đồ ăn lâu hơn khi đi cắm trại
Bảo quản thực phẩm mùa nóng sao cho an toàn?
Theo GS.TS về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Julie Garden-Robinson, Đại học Bang North Dakota, Mỹ: Mùa Hè, ngoài nhiệt độ nóng hơn thì thời tiết còn có xu hướng ẩm hơn, đó là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh. Trên thực tế, số lượng vi khuẩn có thể tăng gần gấp đôi sau mỗi 20 phút trong điều kiện nắng nóng.
Khi ăn thực phẩm bị hư hỏng hoặc món ăn do người bị nhiễm bệnh chế biến mà không rửa tay, các mầm bệnh như salmonella hoặc E. coli sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn, gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như liên tục tiêu chảy và nôn, buồn nôn, đau dạ dày, thậm chí sốt. Áp dụng một số mẹo về an toàn thực phẩm dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi dã ngoại.
Trước chuyến dã ngoại
Chọn món ăn phù hợp với dã ngoại
Bạn nên chọn những món ăn không dễ bị hỏng và không khó để chuẩn bị. Hạn chế những món đòi hỏi phải luôn bảo quản ấm. Ưu tiên những món nguội cho chuyến dã ngoại vì bạn có thể chuẩn bị và làm lạnh vào đêm hôm trước, sau đó chỉ cần giữ mát để đảm bảo an toàn.
Các món gợi ý cho bạn là salad gà hoặc khoai tây, salad mỳ ống, trái cây tươi, một số món ăn kèm với bánh mì sandwich. Hoặc các món ăn nhẹ, khai vị, tráng miệng đã được đóng hộp như khoai tây chiên, các loại hạt, bánh quy, trái cây sấy khô.
Rửa sạch trái cây và rau củ, kể cả những loại bỏ vỏ
Với những loại trái cây bỏ vỏ, nhiều người thường bỏ qua bước rửa vỏ. Thực tế là vi trùng từ vỏ có khả năng xâm nhập vào phần thịt của trái cây khi bạn cắt gọt. Vì vậy, khi ăn bất kỳ loại trái cây hay rau củ nào, kể cả không ăn vỏ, bạn đều cần rửa sạch chúng trước tiên. Bạn cũng nên rửa trước ở nhà vì không phải điểm dã ngoại nào cũng có sẵn nước để rửa, đặc biệt là nước sạch.
Đóng gói thực phẩm đúng cách
Chú ý trong lúc đóng hộp các món ăn để đảm bảo duy trì nhiệt độ thực phẩm an toàn và tránh lây nhiễm chéo. Với những món ăn đã nấu chín, bạn nên chia thành các hộp đựng nhỏ và nông để dễ dàng làm mát nhanh. Không để lẫn lộn thức ăn đã nấu chín với thực phẩm chưa nấu. Với món bánh mì sandwich, bạn không nên làm sẵn ở nhà vì bánh sẽ bị ẩm hơn dễ khiến vi khuẩn phát triển, thay vào đó, bạn nên đựng các nguyên liệu riêng thành các hộp và làm khi sẵn sàng ăn. Bạn nên sử dụng những chiếc túi làm mát có nhiều ngăn để bảo quản riêng được nhiều đồ.
Trong chuyến dã ngoại
Sử dụng nước rửa tay thường xuyên
Nhiều khu dã ngoại có thể không tiện để sử dụng bồn rửa, bạn nên đem theo gel hoặc khăn lau khử trùng để sử dụng trước khi ăn hoặc khi chuẩn bị thức ăn. Nên chọn một sản phẩm chứa ít nhất 60% cồn để đảm bảo khả năng tiệt trùng hiệu quả.
Giữ nhiệt độ thức ăn trong tầm kiểm soát
Lưu ý không để thực phẩm ở nhiệt độ "vùng nguy hiểm" (từ 4°C-60°C) vì vi khuẩn sẽ phát triển. Bạn nên mang theo nhiệt kế thực phẩm. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến nghị:
- Nếu nhiệt độ ngoài trời trên trên 32°C, bạn nên làm lạnh thực phẩm dễ hỏng như salad, thịt nguội, trái cây và rau củ sau 1 giờ; Làm mát sau 2 giờ nếu trời không nóng.
- Bảo quản thực phẩm lạnh ở 4°C hoặc thấp hơn. Dùng những túi đá để giữ lạnh, thay đá mới khi đã bị tan chảy.
- Thực phẩm nóng nên duy trì bảo quản ở nhiệt độ 60°C hoặc cao hơn.
Sử dụng túi giữ nhiệt riêng cho thức ăn
Bạn nên chia thành nhiều túi giữ nhiệt để bảo quản những loại thực phẩm khác nhau như thịt, đồ ăn sẵn, món tráng miệng, đồ uống. Điều này không chỉ ngăn ngừa lây nhiễm chéo mà còn giúp giữ lạnh những thứ quan trọng lâu hơn. Khi dã ngoại, bạn sẽ có xu hướng mở túi đựng đồ uống thường xuyên hơn, sự thay đổi nhiệt độ có thể thúc đẩy vi khuẩn phát triển nếu bạn để cùng với những thực phẩm dễ hỏng khác.
Không lấy ra mọi thứ cùng một lúc
Sắp xếp các món ăn của bạn theo từng phần, những món chưa ăn ngay nên để trong ngăn mát. Những món tráng miệng ướp lạnh nên để trong ngăn mát và chỉ mang ra khi đã sẵn sàng ăn. Lượng thức ăn bày ra cũng quan trọng. Tránh đựng trong một bát lớn vì sẽ mất quá nhiều thời gian để làm nóng và để ăn được hết, điều này tạo tiền đề cho vi khuẩn phát triển.
Thay vào đó, hãy chia món ăn của bạn thành nhiều hộp đựng nhỏ hơn, mang ra từng hộp một và để những hộp còn lại trong ngăn mát. Khi đã ăn phần ăn đầu tiên mới bắt đầu lấy ra những phần tiếp theo. Các loại gia vị như sốt cà chua dù có đủ độ acid giúp ngăn vi khuẩn phát triển, nhưng bạn vẫn nên bảo quản trong ngăn mát khi không sử dụng để tránh mùi vị khó chịu.
Đậy kín thức ăn
Ruồi muỗi không chỉ gây khó chịu mà còn mang nhiều loại vi trùng xâm nhập và lây lan vào thức ăn của bạn. Cách tốt nhất là bạn nên đậy kín bát đĩa, các hộp đựng đều cần có nắp đậy.
Sau chuyến dã ngoại
Chú ý khi mang thức ăn về nhà
Đối với thực phẩm thừa sau chuyến dã ngoại, bạn nên áp dụng quy tắc bảo quản 2 giờ hoặc 1 giờ đã được đề cập ở trên. Nhìn chung, bạn nên vứt bỏ các loại thực phẩm dễ hỏng như các loại rau lá, salad khi không được bảo quản và duy trì ở nhiệt độ chính xác. Nếu túi đá giữ mát thực phẩm đó đã bị tan chảy, bạn không nên đem thực phẩm thừa đó về nhà vì vừa không còn giữ được hương vị, vừa có thể chứa vi khuẩn.
Bình luận của bạn