Thực phẩm sau khi ăn sẽ đi từ vùng hầu họng xuống dạ dày qua thực quản. Tại đây, cơ thắt thực quản sẽ co thắt, không cho thức ăn và dịch vị chứa acid trào ngược lại. Khi cơ thắt thực quản dưới trở nên yếu hoặc lỏng lẻo sẽ dẫn đến tình trạng trào ngược acid dạ dày. Triệu chứng thường gặp là ợ nóng, cảm giác nóng rát ở ngực và vị chua trong miệng.
Người bị trào ngược acid được khuyến cáo nên ăn thực phẩm có tính acid thấp. Ngoài ra, cần tránh ăn no vào buổi tối, ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, lạm dụng cà phê và đồ uống có cồn. Một số thực phẩm sau đây nhìn chung là lựa chọn an toàn hơn với người bị trào ngược.
Yến mạch: Yến mạch là thực phẩm giàu chất xơ lý tưởng cho bữa sáng. Yến mạch khá lành tính với dạ dày, còn giúp tạo lớp màng bao phủ niêm mạc thực quản khá nhạy cảm. Bạn có thể chế biến các món cháo với yến mạch hoặc ngũ cốc ngâm sữa để ăn sáng.
Nha đam: Không chỉ có tác dụng làm dịu làn da, nha đam còn giúp làm dịu hệ tiêu hóa của bạn. Nghiên cứu trên tạp chí Nutrients năm 2022 cho thấy, nha đam có thể góp phần giảm triệu chứng trào ngược acid. Bạn có thể chế biến nước nha đam bằng cách xay nhuyễn nha đam với dưa chuột, rau cải bó xôi, cần tây; Lọc bỏ bã, giữ lấy phần nước pha cùng nước lọc và thưởng thức.
Tiểu hồi (fennel): Đây là loài cây có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải (cùng họ với cây thì là). Củ hồi là phần củ trắng chứa nhiều dinh dưỡng của cây, có vị thơm và ngọt cân bằng. Hạt tiểu hồi có thể pha thành trà giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy hơi. Bạn có thể chế biến củ hồi thành các món soup hoặc uống trà tiểu hồi để góp phần kiểm soát triệu chứng trào ngược.
Dưa lưới: Người bị trào ngược acid được khuyên nên hạn chế ăn trái cây có tính acid như đến cam, nam việt quất, lựu hay kiwi. Nhưng dưa lưới (loại ruột đỏ hay ruột xanh) lại là lựa chọn thân thiện với bạn. Bạn có thể dùng dưa lưới làm món ăn nhẹ, tráng miệng trong ngày.
Chuối: Chuối chín là thực phẩm có tính kiềm, góp phần trung hòa acid trong dịch vị dạ dày. Đây là thực phẩm mà người bị trào ngược dạ dày có thể sử dụng. Bạn còn có thể dùng loại quả có vị ngọt tự nhiên này trong các món bánh nướng, cháo yến mạch. Lưu ý duy nhất là không nên ăn chuối khi đói, dễ gây cồn cào trong bụng.
Rau xanh: Rau xanh như cải xoăn kale, cải bó xôi, rau ngót… vừa giàu dinh dưỡng lại có hàm lượng acid thấp. Người bị trào ngược acid dạ dày nên bổ sung rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày, lưu ý chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp, hạn chế chiên, xào, hạn chế sử dụng gia vị mạnh.