Người có thói quen ăn gỏi cá, tôm... cần đề phòng nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ
Nhiễm sán lá gan, giun lươn do ăn các món gỏi, nem chua, rau sống
Cắt 1/4 gan vì tưởng khối u mới biết do sán làm tổ
Đừng để giun sán làm tổ trong cơ thể chỉ vì tiếc 20.000 đồng
Sai lầm nguy hiểm khi ăn cá có thể khiến bạn bị ung thư gan
Bệnh sán lá gan ở người
Bệnh sán lá gan ở người gồm có bệnh sán lá gan nhỏ và bệnh sán lá gan lớn – loài ký sinh trùng có thân dẹp giống hình chiếc lá.
Tại Việt Nam, có 2 loài sán lá gan nhỏ thường gặp là C. sinensis và O. viverrini, phân bố ở ít nhất 32 tỉnh, thành. C. sinensis lưu hành ở các tỉnh miền Bắc, O. viverrini lưu hành ở khu vực các tỉnh miền Trung và miền Nam. Chúng đều lây truyền qua cá; Người và động vật như chó, mèo, lợn nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn phải cá có ấu trùng sán còn hoạt động. Thói quen ăn cá chưa được nấu chín (gỏi cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói)... là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh sán lá gan nhỏ.
Bệnh sán lá gan lớn ở người chủ yếu do hai loài Fasciola hepatica và Fasciola gigantica gây nên. Khác với sán lá gan nhỏ, vật chủ chính của sán lá gan lớn là người, động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu. Người hoặc gia súc ăn thực vật thủy sinh chưa nấu chín (rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen) hoặc uống nước chưa đun sôi có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.
Triệu chứng và cách phòng bệnh sán lá gan
Sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên những tổn thương đường mật, túi mật, các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm. Đa số trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng lâm sàng hoặc có một số triệu chứng như: Rối loạn tiêu hóa; Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút; Đau tức hạ sườn phải và vùng gan, đôi khi có cơn đau gan điển hình và kèm theo vàng da, nước tiểu vàng… Những trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ không điều trị có thể dẫn đến xơ gan, thậm chí ung thư biểu mô đường mật gây tử vong.
Trong khi đó, sán lá gan lớn gây nên những tổn thương, những ổ áp xe tại gan, ống mật hoặc một số cơ quan khác (thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, tuyến vú, đôi khi có cả trong bao khớp) khi ký sinh lạc chỗ. Bệnh sán lá gan lớn chủ yếu gây đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu; Có thể kèm theo tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài. Một số trường hợp có dấu hiệu kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa hoặc tình cờ phát hiện nhiễm sán lá gan lớn qua khám sức khỏe.
Nếu phát hiện các triệu chứng nghi nhiễm sán lá gan, có tiền sử ăn rau sống, cá sống, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời. Bệnh sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ đều có thể điều trị bằng thuốc đặc hiệu để diệt sán, kết hợp điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, giảm đau, lợi mật...
Người từng nhiễm sán lá gan không có miễn dịch lâu dài và có thể dễ dàng tái nhiễm nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong khi đó, vào mùa Hè, người Việt rất ưa chuộng rau thơm, rau sống và các món ăn chế biến theo kiểu tái, gỏi. Để phòng bệnh sán lá gan, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện các biện pháp:
- Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước. Sán lá gan lớn chết ở nhiệt độ 60-70 độ. Nếu ăn rau sống hoặc ăn lẩu tái, trần ở nhiệt độ 40-50 độ C, ấu trùng sán lá gan vẫn sống được, thậm chí có thể ký sinh trong cơ thể người và gây bệnh trong nhiều năm.
- Không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, các món cá cần được nấu chín đến khi nhiệt độ bên trong đạt ít nhất 63 độ C.
- Không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước và không uống nước lã.
- Định kỳ tẩy sán cho thú cưng, vật nuôi, gia súc trong nhà.
- Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan lớn tại vùng lưu hành bệnh.
Bình luận của bạn