Thói ăn sinh hoạt, ăn uống ảnh hưởng thế nào đến khả năng có con?
Cảnh báo gia tăng vô sinh thứ phát sau nạo phá thai ở trẻ vị thành niên
Thiếu sắt tăng nguy cơ vô sinh
Mắc bệnh lạc nội mạc tử cung có bị vô sinh hiếm muộn không?
Lầm tưởng thường gặp về đậu nành
Vô sinh là tình trạng những cặp vợ chồng không có khả năng thụ thai mặc dù có quan hệ tình dục thường xuyên và không dùng biện pháp tránh thai nào sau 1 năm. Số lượng tinh trùng thấp ở nam giới và các vấn đề về rụng trứng ở nữ giới là một số trong nhiều nguyên nhân tiềm ẩn. Sau đây là những ảnh hưởng từ lối sống đến nguy cơ vô sinh:
Béo phì
Béo phì là yếu tố quan trọng dẫn đến vô sinh, đặc biệt ở phụ nữ. Thừa cân có thể làm rối loạn lượng hormone và quá trình rụng trứng, khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn. Béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai, như đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật. Ở nam giới, béo phì có thể dẫn đến mức hormone testosterone thấp hơn, làm giảm chất lượng tinh trùng và rối loạn cương dương.
Hút thuốc
Hút thuốc tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có vô sinh. Hút thuốc có thể làm tổn thương DNA trong trứng và tinh trùng, làm giảm khả năng sinh sản. Việc hút thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến lượng hormone, tăng nguy cơ sảy thai và gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ hút thuốc cũng sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn phụ nữ không hút thuốc, điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Uống quá nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ. Nữ giới uống nhiều rượu có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và giảm khả năng sinh sản. Rượu cũng có thể gia tăng nguy cơ sảy thai và gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Nam giới uống nhiều rượu có thể làm giảm lượng hormone testosterone, chất lượng tinh trùng giảm và nguy cơ rối loạn cương dương.
Căng thẳng
Căng thẳng là điều phổ biến trong cuộc sống hiện đại, có thể làm rối loạn nồng độ hormone, quá trình rụng trứng và sự sản xuất tinh trùng. Căng thẳng cũng có thể làm giảm ham muốn và ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ. Giảm căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền hoặc tập thể dục có thể cải thiện khả năng sinh sản.
Chế độ ăn uống "nghèo nàn"
Một chế độ dinh dưỡng "nghèo nàn" có thể góp phần gây vô sinh do làm rối loạn nồng độ hormone và giảm khả năng sinh sản. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ngược lại, một chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể cải thiện khả năng sinh sản.
Thiếu vận động
Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và khả năng sinh sản. Lối sống ít vận động góp phần gây béo phì, mất cân bằng hormone và giảm khả năng sinh sản. Tập thể dục có thể giúp điều chỉnh lượng hormone, giảm căng thẳng và duy trì cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, tập thể dục quá mức cũng có thể gây hại cho khả năng sinh sản, đặc biệt là phụ nữ, do đó cần có giới hạn về thời hạn, cường độ và bài tập phù hợp.
Như vậy, vô sinh có thể do nhiều nguyên nhân. Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát được tất cả các nhân tố tác động, nhưng việc thực hiện một lối sống lành mạnh có thể cải thiện khả năng sinh sản và tăng cơ hội thụ thai. Những cặp vợ chồng vô sinh cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn thêm và có phương án điều trị vô sinh thích hợp.
Bình luận của bạn