Chất chống oxy hóa trong cà phê có tác động gì tới lượng đường huyết?

Tình trạng viêm, stress oxy hóa trong cơ thể cũng thúc đẩy sự phát triển của bệnh đái tháo đường

Đồ uống hỗ trợ ổn định đường huyết

Người bệnh đái tháo đường cần duy trì đường huyết an toàn là bao nhiêu?

Phải làm sao để kiểm soát tình trạng đường huyết đột ngột thay đổi?

Người bệnh đái tháo đường nên ăn thịt gì để ổn định đường huyết?

Các nhà khoa học đã biết caffeine trong cà phê có thể giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hao calorie, thúc đẩy giảm cân và giúp kiểm soát đường huyết tốt.

Nhưng không chỉ có vậy, một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng (Journal of Clinical Nutrition) của Mỹ cho thấy khả năng kiểm soát đái tháo đường của cà phê còn có thể tới từ đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, khả năng kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể của thức uống này.

Theo đó, các nhà khoa học đã xem xét tác động của thói quen uống cà phê tới hơn 150.000 người. Nghiên cứu tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa tình trạng viêm trong cơ thể và thói quen uống cà phê. Kết quả nghiên cứu cho thấy, uống cà phê thường xuyên có thể giúp làm giảm viêm trong cơ thể, từ đó chống lại bệnh đái tháo đường type 2. Cụ thể, cứ uống thêm 1 cốc cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh từ 4 - 6%.

Uống cà phê ở lượng vừa phải có nhiều lợi ích cho sức khỏe

Uống cà phê ở lượng vừa phải có nhiều lợi ích cho sức khỏe

Các nhà khoa học cho rằng các chất chống oxy hóa trong cà phê có thể cải thiện tình trạng stress oxy hóa trong cơ thể - một trong những nguyên nhân dẫn tới rối loạn chức năng của các tế bào beta trong tuyến tụy.

TS. Ambrish Mithal, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, chuỗi Bệnh viện Max Healthcare (Ấn Độ) cho biết: “Trước hết, đây là một nghiên cứu được thực hiện với số lượng người tham gia lớn. Thứ hai, nghiên cứu này không tập trung vào caffeine mà tập trung vào khả năng chống oxy hóa, chống viêm của cà phê. Từ lâu, tình trạng viêm và stress oxy hóa đã được cho là nguyên nhân dẫn đến sự tiến triển các bệnh mạn tính như đái tháo đường, khiến bệnh trở nên phức tạp hơn”.

“Ngoài thừa cân, béo phì hay thói quen lười vận động, tình trạng stress oxy hóa trong cơ thể cũng góp phần làm tăng đề kháng insulin, làm giảm sản sinh insulin và từ đó thúc đẩy sự tiến triển của bệnh đái tháo đường type 2. Cà phê có chứa các hoạt chất có khả năng chống oxy hóa, chống viêm mạnh mẽ. Theo đó, nghiên cứu này cho thấy các chất chống oxy hóa trong cà phê có thể ức chế chuỗi phản ứng peroxid hóa”, TS. Ambrish Mithal giải thích.

Thế nhưng, dù việc uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo 1 người trưởng thành không nên uống quá 400mg caffeine/ngày (tương đương với lượng caffeine có trong 4 cốc cà phê). Người bệnh đái tháo đường còn được khuyên nên uống ít cà phê hơn thế.

 

Nguyên nhân là bởi trong khi các nhà khoa học khuyến khích uống cà phê đen, nhiều người lại thích thêm đường hay sữa vào cốc cà phê của mình. Những loại nguyên liệu thêm vào này lại không tốt cho người bệnh đái tháo đường, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc biến chứng tim mạch nếu dùng thường xuyên.

Chưa kể, việc bổ sung nhiều caffeine có thể làm tăng nồng độ một số hormone “căng thẳng” như adrenaline trong cơ thể. Điều này có thể thúc đẩy gan giải phóng glucose dự trữ, từ đó khiến lượng đường huyết tăng cao nhanh chóng và làm tăng nhịp tim, gây lo lắng, bồn chồn, run tay chân, mất ngủ, đau đầu…

TS. Ambrish Mithal cũng nói thêm: “Việc bổ sung 100mg caffeine/ngày có thể giúp thúc đẩy đốt cháy khoảng 100 calorie. Đây thực sự là con số khá cao cho những người đang cố gắng giảm cân, đặc biệt là khi nhiều người chỉ có thể đốt cháy được khoảng 200 calorie, ngay cả khi họ tập thể dục vất vả. Tuy nhiên, ngay cả khi thức uống này tốt, hấp dẫn tới đâu, bạn cũng không nên uống quá nhiều cà phê. Những người bị nhạy cảm với caffeine, người thường bị lo lắng, tăng nhịp tim ngay cả khi uống một chút cà phê thậm chí nên hạn chế hoàn toàn thức uống này”.

Ngoài việc uống cà phê, vẫn còn nhiều cách khác để bạn phòng ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Điều này có thể bao gồm việc thay đổi lối sống lành mạnh hơn, hoạt động thể chất vừa sức, có giấc ngủ ngon và kiểm soát cân nặng ổn định.

Vi Bùi (Theo Indianexpress)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết