Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu trong năm 2024

Nhiệt độ đang nóng lên trên toàn cầu

Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi khói bụi từ cháy rừng?

Bão YAGI và bài học về biến đổi khí hậu

"Siêu bão thế kỷ" Milton: Thực tế đáng sợ từ biến đổi khí hậu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới não bộ

Nhiệt độ toàn cầu nóng hơn 1,5°C trong năm 2024

Nhiệt độ toàn cầu trong năm 2024 đã nóng lên hơn 1,5 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp

Nhiệt độ toàn cầu trong năm 2024 đã nóng lên hơn 1,5 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp

Báo cáo mới từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus đã khẳng định rằng, năm 2024 là năm đầu tiên trong lịch sử ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử khí hậu, cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Trong 12 tháng của năm, có tới 11 tháng ghi nhận mức nhiệt độ vượt ngưỡng này, đồng thời tất cả các châu lục ngoại trừ Australia và Nam Cực đều trải qua năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng việc vượt ngưỡng 1,5°C trong một năm không đồng nghĩa với việc thế giới đã vượt qua mục tiêu kiểm soát nhiệt độ toàn cầu được đặt ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015. Thỏa thuận này tập trung vào việc duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình dài hạn dưới 1,5°C và hiện tại mức tăng trung bình dài hạn vẫn ở mức khoảng 1,3°C. Dẫu vậy, đây vẫn là một dấu hiệu cảnh báo rằng, nhiệt độ toàn cầu đang tiến gần hơn đến ngưỡng nguy hiểm, nơi các hậu quả nghiêm trọng có thể trở nên khó lường hơn bao giờ hết.

Tác động của hiện tượng El Niño và vai trò của con người trong biến đổi khí hậu

Một yếu tố góp phần lớn vào việc nhiệt độ toàn cầu tăng mạnh trong năm 2024 là hiện tượng El Niño. Hiện tượng tự nhiên này làm tăng nhiệt độ nước biển tại Thái Bình Dương, từ đó đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao hơn mức trung bình. Ngoài ra, El Niño còn làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và cháy rừng trên phạm vi toàn cầu. Dù vậy, El Niño chỉ là một yếu tố ngắn hạn bổ sung cho xu hướng nóng lên dài hạn.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra mới là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao. Việc phát thải khí nhà kính từ các hoạt động công nghiệp, giao thông và sản xuất năng lượng đã làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu. Chính sự kết hợp giữa các yếu tố tự nhiên như El Niño và tác động nhân tạo đã khiến năm 2024 trở thành một năm đáng báo động về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và lời kêu gọi hành động khẩn cấp

Biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên, mà còn gây ra những tác động sâu rộng và nghiêm trọng trên toàn cầu.

Năm 2024, châu Âu đã ghi nhận các đợt nắng nóng khắc nghiệt chưa từng thấy, đặc biệt tại Hy Lạp và vùng Balkan. Các khu vực này đã phải đối mặt với cháy rừng trên diện rộng, phá hủy nhiều rừng thông và nhà cửa. Báo cáo cũng cho thấy, vào ngày 10 tháng 7 năm 2024, 44% bề mặt Trái Đất đã trải qua mức căng thẳng nhiệt nghiêm trọng, cao hơn 5% so với mức trung bình hàng năm. Những hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt tại các quốc gia thu nhập thấp, nơi hệ thống y tế còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, báo cáo cũng ghi nhận mức độ ẩm trong khí quyển năm 2024 cao hơn 5% so với trung bình gần đây. Sự gia tăng độ ẩm này làm tăng khả năng xảy ra các trận mưa lớn, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng như trường hợp tại Valencia, Tây Ban Nha vào tháng 10 năm 2024. Các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu không chỉ làm thay đổi lượng ẩm trong khí quyển, mà còn tác động đến các hệ thống gió và áp suất, khiến nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Lũ quét tàn phá ở Valencia, Tây Ban Nha vào tháng 10 năm 2024

Lũ quét tàn phá ở Valencia, Tây Ban Nha vào tháng 10 năm 2024

Để đối phó với tình trạng này, báo cáo nhấn mạnh rằng cần khẩn trương cắt giảm lượng khí thải nhà kính trên quy mô toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững để giảm thiểu rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan và bảo vệ người dân trước những nguy cơ ngày càng tăng. Dù điều kiện thời tiết tại Thái Bình Dương trong năm 2025 có thể làm giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời, xu hướng nóng lên dài hạn vẫn tiếp tục nếu không có hành động quyết liệt ngay từ bây giờ!

 

Ngưỡng 1,5°C là mức nhiệt độ toàn cầu tăng so với thời kỳ tiền công nghiệp, được coi là giới hạn để tránh các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nếu vượt ngưỡng này, nguy cơ thời tiết cực đoan, suy thoái hệ sinh thái và các tác động khác của biến đổi khí hậu sẽ gia tăng đáng kể. Việc giữ nhiệt độ dưới 1,5°C là cấp thiết để bảo vệ môi trường và giảm thiểu thảm họa của biến đổi khí hậu.

 
Đào Dung (Theo The Conversation)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường