Thực trạng bệnh tâm thần tại Việt Nam
Dấu hiệu bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần
Rối loạn tâm lý hậu COVID-19
Phân biệt stress thông thường với rối loạn tâm lý
Đừng coi thường sức khỏe tinh thần!
Rối loạn tâm thần là thuật ngữ miêu tả nhóm bệnh chỉ chung cho tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ, hành động của con người. Một số ví dụ bệnh rối loạn tâm thần như: rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tâm thần phân liệt, hành vi gây nghiện... Dù ở nhiều dạng khác nhau nhưng bệnh rối loạn tâm thần đều gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Những con số biết nói
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các căn bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần kèm theo các hậu quả nặng nề của nó.
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).
Tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng, tiến triển mãn tính và hay tái phát, gặp ở mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới và tỷ lệ mắc khác nhau. Theo WHO, tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ từ 0,6- 1,5% dân số thế giới. Ở Việt Nam, theo điều tra tại 8 vùng sinh thái khác nhau, tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số.
Có thể nhiều người sẽ thấy đây không phải con số đáng báo động, nhưng nó đã chứng minh mức độ ngày càng phổ biến của căn bệnh này.
Rối loạn trầm cảm
Theo ước tính mới đây của Tổ chức Y tế thế giới WHO được trình bày trong Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của UNICEF, mỗi năm thế giới có gần 46.000 trẻ em và trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 10 đến 19 kết liễu cuộc đời mình – tức là cứ khoảng 11 phút lại có một trẻ tự sát. Và trầm cảm là một trong những tác nhân chủ yếu liên quan.
Mặc dù thiệt hại về người do việc bỏ qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể gây ra tác động khủng khiếp cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, song thiệt hại về của do không giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần - cái giá phải trả cho sự thờ ơ - cũng vô cùng nghiêm trọng.
Cũng theo ước tính của WHO, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ.
Rối loạn lo âu
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của UNICEF cũng nhấn mạnh, lo âu và trầm cảm chiếm khoảng 40% các rối loạn tâm thần được chẩn đoán, bên cạnh giảm chú ý/rối loạn tăng động, rối loạn cư xử, thiểu năng trí tuệ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, tự kỷ, tâm thần phân liệt và một nhóm các rối loạn nhân cách.
Có thể thấy rằng, không chỉ thường gặp ở độ tuổi trưởng thành, vấn đề sức khỏe tâm thần còn đang dần trẻ hóa, và phổ biến hơn ở thanh thiếu niên.
Một trong những hội chứng của rối loạn lo âu - Rối loạn lo âu lan tỏa là một rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn lo âu hiện hành trong lứa tuổi từ 18 trở lên là 10% - 18%.
Kết
Không phải riêng ai mà đa số chúng ta dường như rất xem thường sức khỏe tâm thần. Song, những con số biết nói trên khiến chúng ta phải nhìn nhận lại mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của những căn bệnh vô hình này.
Rối loạn tâm thần có thể tấn công bất kỳ ai, dù cho bạn có khỏe mạnh hay thành công đến mức nào đi nữa. Điều cần làm làm hãy quan tâm đến nhau khi người thân có dấu hiệu bất thường về tâm lý. Mặt khác, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám tâm hồn khi có những dấu hiệu bất ổn.
Bình luận của bạn