5 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh gan

Thông thường, người bệnh gan thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn

4 dấu hiệu "cờ đỏ" cảnh báo bệnh gan nhiễm mỡ

Những thực phẩm tốt cho người gan nhiễm mỡ

FDA phê duyệt loại thuốc đầu tiên điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

Chế độ ăn giúp phòng, chống bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Gan là một cơ quan nội tạng đa chức năng, đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển hóa và giải độc của cơ thể. Hàng ngày, gan thực hiện hàng trăm nhiệm vụ quan trọng, bao gồm chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng, dự trữ các vitamin và khoáng chất thiết yếu, tổng hợp protein huyết tương, và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu. Chính vì thế, khi chức năng gan suy giảm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tổng thể. Theo Pamela Healy, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện về gan tại Vương quốc Anh - British Liver Trust, bệnh gan đang ngày càng gia tăng, với ước tính 1/3 dân số có nguy cơ đối mặt với căn bệnh này.

Mặc dù một số yếu tố như di truyền và tự miễn dịch có thể là nguyên nhân gây ra bệnh gan mà chúng ta khó kiểm soát, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể phòng ngừa được. Khoảng 90% các trường hợp tổn thương gan có thể ngăn chặn bằng cách thay đổi lối sống. Vậy, những yếu tố nguy cơ nào mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm?

1. Uống nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn

Quá trình phân hủy rượu trong gan sản sinh ra các chất độc hại, gây tổn thương và tiêu diệt tế bào gan. Mặc dù gan có khả năng tự phục hồi nhanh, nhưng tiêu thụ rượu quá mức và thường xuyên sẽ khiến gan quá tải, dẫn đến hình thành sẹo và xơ hóa, thậm chí là xơ gan.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chỉ những người nghiện rượu mới mắc bệnh gan. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của trang Dịch vụ Y tế Quốc gia Chính phủ Anh (National Health Service – NHS), tiêu thụ vượt quá 14 đơn vị rượu mỗi tuần đã đủ để gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, bao gồm cả ung thư gan.

Thống kê mới nhất từ British Liver Trust cũng cho thấy tình hình đang trở nên báo động hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với phụ nữ. Số liệu năm 2022 ghi nhận con số tử vong do bệnh gan liên quan đến rượu ở phụ nữ đã đạt mức cao kỷ lục, tăng 78% so với 20 năm trước và tăng 31% so với năm 2019. Đáng lo ngại hơn, độ tuổi mắc bệnh ở phụ nữ ngày càng trẻ hóa, với nhiều trường hợp được chẩn đoán ở độ tuổi 40.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia khuyến cáo nên cắt giảm lượng rượu tiêu thụ và duy trì ít nhất 3 ngày không uống rượu mỗi tuần.

2. Béo phì

Mối liên hệ giữa việc tăng cân, đặc biệt là mỡ tích tụ ở vùng bụng và các nguy cơ sức khỏe đã được nhiều chuyên gia ghi nhận. Tuy nhiên, ít người nhận thức được rằng tình trạng này còn tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe gan. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD) đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động, ước tính ảnh hưởng đến 1/5 dân số Anh. Khi lượng mỡ trong gan vượt quá ngưỡng cho phép, các tế bào gan bị tổn thương, gây ra viêm và có thể tiến triển thành xơ gan.

Theo đó NAFLD có mối liên kết chặt chẽ với tình trạng béo phì, đái tháo đường loại 2 và các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc điều chỉnh lối sống, bao gồm duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tăng cường hoạt động thể chất và giảm cân có thể cải thiện đáng kể tình trạng gan nhiễm mỡ.

Vàng da là hiện tượng phổ biến nhất của bệnh về gan

Vàng da là hiện tượng phổ biến nhất của bệnh về gan

3. Thường xuyên sử dụng thực phẩm siêu chế biến

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến (UPF) với nguy cơ mắc bệnh NAFLD. Theo chuyên gia dinh dưỡng Nichola Ludlam-Raine (Anh), thành phần dinh dưỡng kém và hàm lượng calo cao trong UPF góp phần làm tăng cân, kháng insulin và rối loạn chuyển hóa, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng NAFLD.

Ngược lại, chế độ ăn Địa Trung Hải, giàu chất xơ, chất béo lành mạnh và các chất chống oxy hóa, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm viêm, cải thiện chức năng gan và ngăn ngừa tiến triển của NAFLD. Chế độ ăn DASH, với hàm lượng natri thấp và giàu dinh dưỡng, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác của NAFLD.

4. Gan thường xuyên bị quá tải

Gan là cơ quan thải độc chủ yếu của cơ thể, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và loại bỏ các chất độc hại từ rượu, thuốc lá, dược phẩm và hóa chất. Quá trình này diễn ra thông qua việc biến đổi các chất độc thành dạng vô hại để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khi phải xử lý quá tải các chất độc hại, gan có thể bị tổn thương. Mặc dù gan có khả năng tự phục hồi, nhưng những tổn thương cấp tính và nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, việc tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc và hóa chất là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của gan.

5. Một số triệu chứng dễ bị bỏ qua

Bệnh về gan thường tiến triển âm thầm, không gây ra triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu, khiến nhiều người không hề hay biết về tình trạng sức khỏe của mình. Những dấu hiệu ban đầu thường bị nhầm lẫn với những biểu hiện của căng thẳng hoặc lối sống bận rộn, như mệt mỏi, chán ăn hay mất ngủ. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng đặc trưng như vàng da, bụng to hoặc ngứa da mới xuất hiện.

Đáng báo động hơn, khoảng 3/4 số người được chẩn đoán mắc bệnh gan khi căn bệnh đã ở giai đoạn muộn, hạn chế đáng kể khả năng điều trị. Nhờ khả năng tái sinh tự nhiên, gan có thể phục hồi nhưng việc phát hiện sớm các tổn thương gan là vô cùng quan trọng, giúp tăng cơ hội điều trị thành công và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm trong tương lai.

 
Hà Chi (Theo Express UK)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa