Ngày Thuần chay thế giới được tổ chức vào ngày 1/11 hàng năm
Nghiên cứu mới: Chế độ ăn thuần chay giúp giảm 6kg trong vòng 4 tháng
Chế độ ăn thuần chay giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?
Nuôi trẻ thuần chay: Lợi ích và rủi ro bố mẹ cần biết
Chế độ ăn thuần chay là chế độ ăn uống chỉ dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và tránh tất cả các thực phẩm có nguồn gốc động vật. Những năm gần đây, cách ăn uống này ngày càng trở nên phổ biến do các vấn đề về đạo đức, môi trường và sức khỏe.
Để nâng cao nhận thức về lợi ích của chế độ ăn thuần chay, ngày Thuần chay thế giới (World Vegan Day) được tổ chức vào ngày 1/11 hàng năm. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng khám phá về lịch sử, ý nghĩa, lợi ích cũng như điểm hạn chế của chế độ ăn này.
Ngày Thuần chay thế giới được công nhận từ năm 1994
Ngày Thuần chay thế giới được công nhận từ năm 1994 và người khởi xướng là bà Louise Wallis, hiện đang là Chủ tịch của Vegan Society (Cộng đồng ăn chay quốc tế). Bà Louise Wallis trước đó là một nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho quyền động vật trên thế giới và bà đã chọn ăn chay là chế độ ăn của bản thân như một cách thể hiện lý tưởng của bản thân.
Ý nghĩa của ngày Thuần chay thế giới
Ngày Thuần chay thế giới là cơ hội để giúp mọi người hiểu rõ hơn về lợi ích của chế độ ăn thuần chay. Những người theo chế độ ăn này nhấn mạnh rằng ăn thuần chay là một lối sống lành mạnh và dễ áp dụng đối với người bình thường.
Bằng việc nêu bật những lợi ích về sức khỏe, ngày Thuần chay thế giới còn khuyến khích mọi người chuyển sang ăn thuần chay, tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật và không gây hại cho động vật.
Như vậy, ngày Thuần chay thế giới không chỉ mang một ý nghĩa lớn đối với cộng đồng người ăn chay mà còn với cả thế giới hiện đại. Không chỉ đơn thuần ở vấn đề tôn giáo và sức khỏe, ăn thuần chay là một cách mà con người góp phần giữ gìn sự tươi đẹp của "hành tinh xanh", nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Những lợi ích của chế độ ăn thuần chay
Dưới đây là những lợi ích mà chế độ ăn thuần chay mang lại:
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Chế độ ăn thuần chay bao gồm trái cây tươi, rau, đậu... thường ít cholesterol và chất béo bão hòa hơn, từ đó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
- Quản lý cân nặng: Ăn các thực phẩm nguyên chất từ thực vật và ít thực phẩm chế biến sẵn có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Theo trang Healthline, một nghiên cứu cho thấy những người ăn chế độ ăn thuần chay ít chất béo, nhiều chất xơ giảm cân nhiều hơn những người ăn chế độ ăn ít chất béo thông thường.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2: Chế độ ăn thuần chay có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
- Cải thiện sức khỏe tiêu hóa: Thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu chất xơ giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón.
- Tăng cường chức năng nhận thức: Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe não bộ và chức năng nhận thức.
- Giảm nguy cơ ung thư: Ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm các loại đậu, trái cây, rau quả và cắt giảm lượng thịt đỏ hun khói hoặc chế biến sẵn đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
Những rủi ro sức khỏe của chế độ ăn thuần chay
Mặc dù chế độ ăn thuần chay mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên chế độ ăn này cũng có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và không phù hợp với một số người. Việc cắt bỏ thức ăn động vật trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể thiếu đi nguồn đạm có giá trị sinh học cao, vốn rất quan trọng đối với trẻ em, thanh thiếu niên, người cao tuổi và người có bệnh lý.
ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng chia sẻ trên báo Sức khỏe & Đời sống, ăn thuần chay là chế độ nghiêm khắc nhất của việc ăn chay. Chế độ ăn thuần chay loại bỏ tất cả các sản phẩm từ động vật, bao gồm cả sữa, mật ong, trứng... hoặc thực phẩm có chất phụ gia có nguồn gốc động vật như gelatin hoặc váng sữa.
Chế độ ăn chay cũng có hạn chế, đặc biệt là đối với một số người ăn chay trường chỉ ăn những thực phẩm chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau quả, củ và các loại hạt nên thường bị thiếu một số khoáng chất cần thiết như sắt, calci, kẽm, vitamin B12...
Chính vì vậy, nếu muốn thực hiện chế độ ăn thuần chay bạn nên có sự hướng dẫn cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc các bác sĩ để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bình luận của bạn