Những món ăn có tính ấm, nóng hổi rất thích hợp cho tiết trời se lạnh
Thực đơn 7 mâm cơm tối với những món ăn bổ dưỡng
Lợi ích của nước hầm xương với hệ tiêu hoá
Infographic: Gợi ý 5 món ăn sáng dễ làm và đủ chất
Món ngon với..."gạo sạch, mật mía phơi sương"
Bánh giò nóng
Từ xa xưa, người Kẻ Chợ (tên gọi dân gian của Thăng Long - Hà Nội) đã nổi tiếng trong chuyện ăn, chuyện mặc. Nét độc đáo của ẩm thực Hà Nội chính là sự kết hợp tinh tế giữa đặc sản cao sang cầu kì cùng những thức quà quê bình dị gần gũi, trong đó bánh giò là món ăn quen thuộc và gắn bó với người dân Thủ đô theo một cách riêng.
Món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Bắc này được làm từ bột gạo tẻ, bột năng, thịt nạc, nấm mèo, khi xưa người ta còn cho vào cả trứng cút. Bánh giò có hình dáng như một khối tam giác, được gói bằng lá chuối và hấp bằng chõ, vị ngọt thanh, mềm mịn, thơm mùi lá. Bánh giò có thể ăn không trực tiếp hoặc có thể dùng thêm với một số thực phẩm khác như chả cốm, thịt xiên nướng, xúc xích, chả bò, giò tai, tương ớt và một ít dưa góp cho đỡ ngấy.
Mùa này, vào buổi xế chiều lành lạnh, bụng hơi đói nhưng nghĩ đến món nào cũng thấy ngang ngang, nhiều người bỗng nhớ đến mùi thơm ngào ngạt của bánh giò nóng, hình dung đến lúc mở lớp lá mà tay phải rụt lại, rồi lại mở ra để rồi hơi nóng bốc lên mang theo hương thơm mời gọi...Và rồi thế là có ngay một bữa ăn không quá no nhưng vừa ngon, vừa ấm bụng!
Địa chỉ gợi ý: Bánh giò Cô Béo ở số 5 Thụy Khuê (Tây Hồ), bánh giò chợ Hôm ở 79 Phố Huế (Hai Bà Trưng), bánh giò bà Lũy ở 54 Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng),...
Bánh trôi tàu
Bánh trôi tàu, còn có tên chè thang viên, là món ăn có nguồn gốc từ ẩm thực Trung Quốc. Khi du nhập vào Việt Nam, nguyên liệu làm ra bánh trôi tàu được thay đổi để phù hợp với ẩm thực của người Việt.
Khác với bánh trôi nước, bánh trôi tàu là một loại bánh ăn nóng. Bánh được làm từ bột gạo nếp và phần nhân có 2 vị phổ biến là đậu xanh và vừng đen, ăn cùng nước đường mía nấu với gừng đun nóng và phần "topping" dừa nạo. Một chén chè thường chỉ có hai chiếc bánh, một chiếc nhân đậu xanh, một chiếc nhân vừng đen. Bánh trôi tàu không phải món ăn để no mà là thức quà cần sự nhẩn nha, tinh tế vừa đủ để thưởng thức.
Bánh trôi tàu không chỉ là món ăn ngon mà còn đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe. Ngoài tác dụng tạo vị thơm, gừng trong món ăn có tính ấm nóng sẽ giúp thực khách ấm bụng, đề phòng cảm lạnh hiệu quả. Gừng được nấu cùng nước ấm sẽ giúp giữ ấm cơ thể, hỗ trợ tuần hoàn máu, chữa ho, giải cảm, điều trị các vấn đề tiêu hóa và đường ruột. Bên cạnh đó, bột gạo nếp dùng trong bánh, theo y học cổ truyền, gạo nếp có tính ấm, vị ngọt, tác dụng bổ khí kiện tỳ vị chỉ tả, ôn ấm trung tiêu, cố biểu liễm hãn (giảm tiết mồ hôi) và giảm đi tiểu thường xuyên. Vì vậy, rất thích hợp dùng trong các trường hợp có tình trạng kém ăn, buồn nôn, tiêu chảy do tỳ vị khí hư, hay người dễ ra mồ hôi, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, khó thở.
Địa chỉ gợi ý: Xôi chè Bà Thìn ở số 1 Bát Đàn (Hoàn Kiếm), bánh trôi tàu Phạm Bằng ở 30 Hàng Giầy (Hoàn Kiếm), quán chè ở số 4 Hàng Cân (Hoàn Kiếm), quán chè ở 325 Đội Cấn (Ba Đình),...
Cháo sườn
Một bát cháo sườn nóng hổi, thơm ngon không chỉ phù hợp để làm “ấm bụng” bữa sáng mà còn phù hợp để xua tan cái đói lúc xế chiều hoặc đêm đến.
Trước đây, cháo sườn Hà Nội nguyên bản được nấu từ gạo xay, sườn non, kèm theo đó là từng miếng quẩy giòn được cắt khúc. Khi ăn sẽ cho thêm một chút ớt bột, hạt tiêu tạo nên một vị cay nồng đặc trưng. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của thực khách, nhiều quán cho thêm thịt nạc băm rim, thịt trai xào, xúc xích, ruốc bông, hành phi… Điều quan trọng nhất làm nên sức hấp dẫn của món ăn này đó chính là độ sánh mịn của cháo, điều này đòi hỏi sự khéo léo trong khâu chế biến.
Cháo sườn không dành cho lối ăn kiểu cách như nhà hàng với bàn ghế đàng hoàng và khăn ăn nước uống chỉnh tề. Những hàng cháo sườn nổi tiếng nhất đều nằm ở những con phố nhỏ giữa lòng Hà Nội nhưng cái không gian ấy lại khiến món cháo sườn gây thương nhớ hơn chăng! Không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng thơm ngon đến lạ thường...
Địa chỉ gợi ý: Cháo sườn Huyền Anh ở 14 Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), cháo sườn ở 32 Hàng Bồ (Hoàn Kiếm), cháo sườn Bách Khoa ở ngõ 17 Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng),...
Mía nướng
Nhắc đến mía người ta thường nghĩ đến hương vị thanh mát của món nước mía giải nhiệt mùa Hè, thế nhưng những thanh mía ngọt nước ấy trong phiên bản nướng nóng hổi lại là thức quà vô cùng hấp dẫn vào se lạnh cuối Thu, đầu Đông.
Cũng giống như ngô hay khoai thì những thanh mía được chặt thành những thanh dài bằng nhau và nướng đều trên bếp lửa. Loại mía để nướng thường là loại mía tím, thân khá to và nhiều nước. Ngồi cạnh bếp than hồng, mùi mía nướng theo những cơn gió lạnh thơm lừng cả dãy phố. Mía khi chín sẽ có bọt li ti trên thân, khi ăn người bán sẽ róc vỏ mía chặt nhỏ vừa miệng. Màu vàng ươm của cây mía chín, ăn vào có hương vị ngọt ngọt, nóng hổi.
Bên cạnh là thức quà ăn vặt thơm ngon, mía còn có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Theo Đông y, mía vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận táo, giáng khí. Dùng trong trường hợp ho khan ít đàm, kể cả chứng ho ra máu, còn dùng trong các chứng mất dịch vị do vị nhiệt, miệng khô khát. Mía còn là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa phenolic, flavonoid và vitamin dồi dào có thể bảo vệ, giúp cơ thể chống lại tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Loại thức uống này giúp trì hoãn dấu hiệu lão hóa, ngăn chặn tế bào ung thư, đặc biệt ung thư tiền liệt tuyến, vú. Đồng thời bảo vệ gan và điều chỉnh sắc tố da.
Địa chỉ gợi ý: Hàng ăn vặt ở 189 Ngọc Lâm (Long Biên), quán mía nướng ở 29 Hàng Cót (Hoàn Kiếm),...
Bình luận của bạn