Cha mẹ có thể truyền những tổn thương di truyền bẩm sinh cho con cái
Người trẻ và hội chứng overthinking
Đẩy lùi bệnh trầm cảm ở giới trẻ
Trẻ em cũng bị trầm cảm!
Phát hiện mới đem đến hy vọng điều trị trầm cảm sau sinh
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thường là một lời khen. Nhưng nếu đời con cháu phải lặp lại những tổn thương tâm lý, những sang chấn tương tự như thế hệ đi trước, đó lại là một lời nguyền, một di sản gia đình mà không ai mong muốn.
Khái niệm “sang chấn liên thế hệ” đã được tác giả Mark Wolynn giới thiệu trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, "Nỗi đau này không thuộc về bạn: Sang chấn liên thế hệ, thấu hiểu và chữa lành”. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ và bán chạy trên toàn thế giới.
Wolynn theo học Đại học Columbia, nơi ông lấy bằng Cử nhân và Thạc sĩ về Tâm lý học. Dựa trên những thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh, di truyền học biểu sinh, tâm lý hậu sang chấn và những trải nghiệm cá nhân trong quá trình trị liệu cá nhân, tác giả Mark Wolynn cho rằng mỗi người chúng ta đều mang trong mình ít nhất một vài tổn thương tâm lý từ thế hệ trước. Cụ thể, trong vô thức, chúng ta sống lại nỗi lo lắng của mẹ, lặp lại sự thất vọng của cha, tái hiện những mối quan hệ đổ vỡ của cha mẹ, ông bà mình. Bởi vì nỗi đau ban đầu bị chôn vùi, đè nén nên đã tự tìm đường quay trở lại và được chuyển tiếp sang các thế hệ sau.
Trải qua 14 chương sách, Wolynn dẫn người đọc tìm về quá khứ của tối thiểu 3 thế hệ trước ta để hiểu về lịch sử gia đình của mình và đối mặt với những tổn thương như trầm cảm, lo âu, chứng ám ảnh sợ hãi... của mình. Theo tác giả, vì không nhận thức được gốc rễ của những triệu chứng tâm lý mình gặp phải, con người thường cho rằng nguồn cơn vấn đề đến từ trải nghiệm đời sống của mình: Stress trong công việc, đổ vỡ trong hôn nhân, khó khăn về tài chính... Nhiều người bất lực trong việc tìm giải pháp từ trị liệu hoặc thuốc an thần, tuy có thể giúp bệnh thuyên giảm phần nào nhưng không thể chữa lành tận gốc những tổn thương bên trong.
Dựa trên những nghiên cứu về sinh học tế bào và di truyền biểu sinh, tác giả đề ra khái niệm "cơ thể gia đình" và cho rằng các thành viên trong gia đình có thể chịu ảnh hưởng bởi những tổn thương của nhau. Và danh sách này không dừng ở anh chị ruột, cha mẹ hay những người còn ở lại trong đời ta: “Người bác từng phạm tội, người dì cùng cha khác mẹ với mẹ, đứa con chúng ta không bao giờ gặp khi phá thai, tất cả đều là thành viên gia đình chúng ta”.
Không chỉ dừng lại ở khai mở, tác giả Wolynn còn giới thiệu phương pháp ngôn ngữ lõi cùng các bài tập bạn có thể thực hành để tự nhận thức sang chấn liên thế hệ, tự xoa dịu bản thân và tự chữa lành. Ngoài ra còn có những câu chữa lành bạn có thể tự nói với chính mình, truyền sức mạnh tới phần dễ tổn thương nhất của bản thân. Wolynn tin rằng, chữa lành là công việc hướng vào bên trong, và trạng thái hòa hợp với bản thân thường bắt đầu bằng trạng thái hòa hợp với cha mẹ. Đây cũng là điểm bắt đầu cho hành trình tìm lại thị lực 20/20 của ông sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh về mắt tưởng chừng vô phương cứu chữa.
Nước ta mới thống nhất chưa tròn 50 năm. Coi 20 năm là khoảng cách của một thế hệ, thì thế hệ gen Z ngày nay vẫn còn mang trong mình ít nhiều những sang chấn của thời chiến, của bom đạn và biết bao gánh nặng lo toan những năm đất nước mới mở cửa. Để chữa lành những lo âu, sợ hãi của ngày hôm nay, bước đầu tiên là cần hóa giải những tổn thương lặng thầm bắt nguồn từ những thế hệ trước đó.
Có lẽ sau khi đọc xong cuốn sách này, bậc phụ huynh và chính thế hệ trẻ có thể dành cho nhau một cái nhìn rộng lòng hơn: Bạn không yếu đuối và nỗi đau không bắt đầu từ bạn.
Cuốn "Nỗi đau này không thuộc về bạn" do First News phát hành. Giá bìa: 188.000 đồng.
Bình luận của bạn