Ô nhiễm không khí trong nhà: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả

Ô nhiễm không khí trong nhà đang trở thành mối lo ngại toàn cầu

Podcast: Gan nhiễm mỡ - “Sát thủ” thầm lặng gây ung thư gan

Sử dụng điện thoại có hại với trí não người già không?

Thực phẩm âm thầm ảnh hưởng xấu tới đường huyết

Tử vi thứ Sáu (18/4/2025): Sư Tử có ngày mới tràn đầy nhiệt huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 3 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà. Đây là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, nơi việc đốt các nhiên liệu rắn như củi, than đá và phân khô ngay trong nhà vẫn phổ biến để nấu ăn và sưởi ấm. Quá trình này thải ra hàng loạt chất độc hại, trong đó có bụi mịn (PM) và khí carbon monoxide, làm suy giảm chất lượng không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Khái niệm ô nhiễm không khí trong nhà

Ô nhiễm không khí trong nhà xảy ra khi các chất gây ô nhiễm phát sinh trong không gian kín. Các tác nhân phổ biến bao gồm bụi mịn (PM), khí carbon monoxide và nhiều hợp chất độc hại khác. Dù ít được chú ý hơn so với ô nhiễm ngoài trời, song mức độ nguy hại của ô nhiễm trong nhà lại không hề kém cạnh, thậm chí có thể trầm trọng hơn do con người thường tiếp xúc thường xuyên với môi trường trong nhà.

Theo thống kê của WHO năm 2020, ô nhiễm không khí trong nhà liên quan đến khoảng 3,2 triệu ca tử vong trên toàn cầu, trong đó có 237.000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Các nguyên nhân chính gây ô nhiễm

Một số nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí trong nhà

Một số nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí trong nhà

Khói thuốc lá

Khói thuốc từ thuốc lá, xì gà hoặc tẩu là một trong những nguồn ô nhiễm trong nhà phổ biến và nguy hiểm nhất. Trong khói thuốc có hơn 7.000 hóa chất, ít nhất 70 chất gây ung thư. Ngoài ung thư phổi, việc hít phải khói thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh tim mạch nghiêm trọng.

Khói thuốc thụ động cũng là yếu tố gây hại lớn. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 7.300 người không hút thuốc tử vong vì ung thư phổi do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng khói thuốc gây ô nhiễm gấp 10 lần khí thải từ xe ô tô chạy dầu diesel.

Bếp nấu ăn sử dụng nhiên liệu rắn

Tại nhiều quốc gia đang phát triển, việc đun nấu bằng củi, than hoặc phân khô ngay trong nhà là nguyên nhân dẫn đến phơi nhiễm nồng độ bụi mịn cao, gây hàng loạt bệnh lý như nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn, bệnh tim mạch và ung thư. Theo Liên Hợp Quốc, ô nhiễm từ khói bếp gây ra khoảng 3,1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, chủ yếu là phụ nữ và trẻ nhỏ.

Sản phẩm tẩy rửa

Nhiều sản phẩm tẩy rửa chứa hóa chất có thể gây ô nhiễm không khí trong nhà. Những hóa chất này thải ra khí độc có thể gây hại khi hít phải, liên quan đến các bệnh như nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn và ung thư.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm tẩy rửa chứa hợp chất hữu cơ bay hơi (volatile organic compounds – VOCs), là những khí dễ bay hơi ở nhiệt độ phòng. Khi thải ra không khí, VOCs có thể gây các tác động sức khỏe ngắn hạn và dài hạn như đau đầu, buồn nôn và tổn thương gan, thận, hệ thần kinh trung ương.

Nấm mốc

Nấm mốc sinh sôi trong môi trường ẩm thấp như phòng tắm, nhà bếp, tầng hầm. Hít phải bào tử nấm mốc có thể gây dị ứng, hen suyễn và nhiễm trùng hô hấp, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu hoặc có tiền sử dị ứng.

Lông và tế bào chết từ vật nuôi

Lông, da và nước bọt từ chó mèo có thể gây dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, đặc biệt với những người có cơ địa nhạy cảm.

Bụi trong nhà

Bụi trong nhà không chỉ chứa mạt bụi và phấn hoa mà còn có thể lẫn kim loại nặng từ khói thuốc, nội thất, hoặc bụi từ bên ngoài. Việc tích tụ bụi làm suy giảm chức năng phổi và làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp.

Các biện pháp cải thiện chất lượng không khí trong nhà

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trồng cây xanh...sẽ giúp bảo vệ không khí trong nhà hiệu quả

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trồng cây xanh...sẽ giúp bảo vệ không khí trong nhà hiệu quả

1. Thông gió hợp lý

Thông gió là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để làm sạch không khí trong nhà. Mở cửa sổ thường xuyên hoặc lắp đặt hệ thống thông gió sẽ giúp lưu thông không khí, ngăn ngừa sự tích tụ của CO2 và các chất gây ô nhiễm.

2. Sử dụng bộ lọc HEPA

Bộ lọc HEPA (bộ lọc không khí hiệu suất cao - high-efficiency particulate air) có thể loại bỏ tới 99,97% hạt bụi có kích thước ≥0,3 micron, bao gồm nấm mốc, lông thú, khói thuốc và mạt bụi. HEPA có thể tích hợp trong máy hút bụi, máy lọc không khí và hệ thống điều hòa.

3. Ưu tiên sản phẩm tẩy rửa tự nhiên

Thay vì dùng các chất tẩy rửa chứa hóa chất độc hại, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm làm sạch từ giấm trắng, baking soda, tinh dầu thiên nhiên hoặc chanh, vừa an toàn lại hiệu quả.

4. Giữ không gian khô ráo, sạch sẽ

Vệ sinh thường xuyên, xử lý kịp thời các chỗ rò rỉ nước, tránh tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển – đặc biệt ở nhà tắm, nhà bếp.

5. Trồng cây trong nhà

Trồng cây trong nhà là một cách hiệu quả để giảm ô nhiễm không khí, nhờ khả năng hấp thụ các chất độc hại và tăng cường lượng oxy. Ngoài ra, cây xanh còn giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách duy trì độ ẩm và giảm bụi trong không gian kín.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (National Aeronautics and Space Administration - NASA) từng thực hiện một nghiên cứu vào năm 1989, chứng minh rằng một số loại cây có thể trồng trong nhà như thường xuân, trầu bà, cọ tre và lan ý có khả năng loại bỏ hiệu quả nhiều chất gây ô nhiễm không khí.

6. Chọn vật liệu xây dựng ít phát thải

Khi sửa chữa hoặc xây dựng, nên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như sơn latex, gỗ tre, thảm len tự nhiên -  những vật liệu có mức phát thải VOCs thấp hơn.

7. Sử dụng máy lọc không khí đúng công suất

Máy lọc không khí giúp loại bỏ bụi mịn, phấn hoa, bào tử nấm và khí độc như carbon monoxide. Khi chọn máy, cần chú ý đến chỉ số CADR (Clean Air Delivery Rate) - tức khả năng làm sạch không khí trong diện tích nhất định. Ví dụ, phòng rộng 23m² cần máy có CADR từ 160 trở lên (theo cách tính: diện tích chia cho 1,55).

Tương lai của việc kiểm soát ô nhiễm không khí trong nhà

Công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí trong nhà. Các máy lọc không khí hiện đại đã được tích hợp cảm biến phát hiện ô nhiễm nhanh và chính xác hơn, nhờ những bước tiến trong công nghệ cảm biến môi trường.

Các hệ thống nhà thông minh sử dụng cảm biến này để tự động kích hoạt thông gió khi chất lượng không khí xuống thấp. Ngoài ra, công nghệ nano đang được phát triển để xử lý ô nhiễm ở cấp độ phân tử, mở ra triển vọng lọc sạch không khí hiệu quả hơn nữa.

Tuy nhiên, để đạt được thay đổi thực chất và quy mô lớn, cần có sự phối hợp ở cấp toàn cầu. Một ví dụ điển hình là Liên minh "Vì không khí sạch" (Alliance for clean air), được thành lập tại Hội nghị COP26 bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Quỹ không khí sạch (Clean air fund) và Viện môi trường Stockholm (Stockholm environment institute). Sáng kiến này quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm đưa chất lượng không khí vào trọng tâm chiến lược, giảm phát thải và thúc đẩy các hành động cụ thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sống trong nhà trên toàn cầu.

 
Đào Dung (Theo weforum.org)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường