Bánh mì trắng: Bánh mì trắng làm từ bột mì tinh chế đã bị lấy đi chất xơ, vỏ cám và phôi. Do đó, cơ thể nhanh chóng phân giải tinh bột trong bánh mì thành đường glucose, dẫn đến tăng đường huyết. Ngoài ra, bánh mì trắng còn khiến các tế bào kém nhạy cảm với insulin – hormone giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng.
Sữa chua ít béo có vị nhân tạo: Sữa chua vốn là thực phẩm lành mạnh, nhưng phiên bản ít chất béo, nhiều đường và hương vị nhân tạo lại là công thức có thể khiến đường huyết tăng vọt.
Trái cây sấy khô: Với người bệnh đái tháo đường đang cần cắt giảm đường, trái cây là thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, trái cây sấy khô lại là một câu chuyện khác. Hoa quả sấy không còn chứa nước, nên hàm lượng đường cô đặc hơn, đặc biệt là các loại đường fructose và glucose có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng.
Khoai tây: Chỉ số đường huyết của khoai tây ở mức cao, tuy nhiên còn tùy vào cách chế biến. So với rau củ không chứa tinh bột, cơ thể sẽ hấp thu carbohydrate trong khoai tây nhanh hơn, dẫn tới tăng đường huyết. Đây là một yếu tố cần cân nhắc khi thêm khoai tây vào chế độ ăn.
Bánh bỏng gạo: Bánh bỏng gạo được coi là món ăn vặt lành mạnh và nhẹ bụng. Tuy nhiên với thành phần chính là gạo, thực phẩm này có chỉ số đường huyết ở mức cao, dễ hấp thụ và chuyển hóa thành đường khi ăn vào. Đường huyết vì thế có thể tăng lên nhanh chóng sau khi ăn bánh bỏng gạo.
Đồ chiên rán: Những thực phẩm chiên rán, đặc biệt khi chiên xù, tẩm bột… cũng làm đường huyết tăng nhanh không kém đồ ngọt hay bánh mì trắng. Quá trình chiên tạo ra các chất béo có hại, góp phần dẫn đến kháng insulin nếu ăn thường xuyên. Insulin hoạt động kém hiệu quả sẽ khiến đường huyết tăng cao, kéo theo nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.