Rối loạn lo âu về ngoại hình không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần mà còn cả sức khoẻ thể chất.
Kefir giúp cải thiện chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ?
8 hiểu nhầm thường gặp về trầm cảm
Podcast: Rối loạn tâm thần gia tăng mạnh ở trẻ vị thành niên
Bị run tay do tác dụng phụ của thuốc rối loạn tâm thần phải làm sao?
Đây là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự lo lắng thái quá và không thực tế về vẻ ngoài, còn được gọi với nhiều cách khác như ám ảnh ngoại hình, mặc cảm ngoại hình... Người mắc BDD có thể bị ám ảnh với một đặc điểm nào đó trên cơ thể như mũi, tóc, làn da hay hình dạng khuôn mặt, dù khuyết điểm đó rất nhỏ hoặc không thực sự tồn tại. Sự bận tâm này không chỉ đơn giản là thiếu tự tin, mà trở thành nỗi ám ảnh kéo dài nhiều giờ mỗi ngày, kèm theo cảm giác đau khổ, lo lắng, thậm chí suy sụp.
Điểm khác biệt giữa BDD và các rối loạn về tự cảm nhận cơ thể (body image) thông thường nằm ở mức độ ảnh hưởng. Nếu người có sự tự cảm nhận cơ thể méo mó thường tập trung vào toàn bộ vóc dáng, thì người mắc BDD lại chỉ chăm chú vào một chi tiết cụ thể như một bên má, một vết sẹo nhỏ hay độ đối xứng của khuôn mặt. Những suy nghĩ này thường xuyên xuất hiện không báo trước, khiến họ có xu hướng hành động lặp đi lặp lại như soi gương liên tục, trang điểm quá mức, thay đổi trang phục để che giấu cơ thể hoặc tìm kiếm sự trấn an từ người khác.
Mặc dù họ có thể dành nhiều thời gian mỗi ngày để cố “sửa chữa” hoặc che đậy khuyết điểm đó, nhưng cảm giác nhẹ nhõm (nếu có) cũng chỉ là tạm thời. Về lâu dài, người bệnh dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, né tránh các mối quan hệ, bỏ bê công việc và thậm chí không dám bước ra khỏi nhà.
Việc chẩn đoán BDD không dễ dàng, bởi nhiều người bệnh thường không nghĩ rằng vấn đề của mình là một rối loạn tâm thần. Họ có xu hướng tìm đến bác sĩ da liễu, nha sĩ hoặc chuyên gia thẩm mỹ trước khi tiếp cận chuyên gia tâm lý. Cảm giác xấu hổ và sợ bị đánh giá khiến họ âm thầm chịu đựng, trong khi mức độ khổ tâm có thể rất nghiêm trọng.

Dù đã động chạm đến "dao kéo" nhưng cảm giác ám ảnh về ngoại hình vẫn không hết ở những người mắc bệnh lý tâm thần này.
Để được chẩn đoán BDD, người bệnh cần có những biểu hiện rõ ràng như: bận tâm dai dẳng về một khuyết điểm trên cơ thể (dù nhỏ hoặc không tồn tại), có hành vi lặp đi lặp lại nhằm kiểm tra hoặc che giấu phần cơ thể đó, và những hành vi, suy nghĩ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, BDD dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, OCD hay rối loạn ăn uống. Điều này đòi hỏi bác sĩ lâm sàng phải có kinh nghiệm và đánh giá kỹ lưỡng.
Hiện chưa có nguyên nhân chính xác gây ra BDD, nhưng các chuyên gia cho rằng các yếu tố như: di truyền, tổn thương tâm lý thời thơ ấu, trải nghiệm bị bắt nạt, cũng như áp lực từ mạng xã hội và các chuẩn mực sắc đẹp phi thực tế đều có thể góp phần hình thành rối loạn này. Các hình ảnh “hoàn hảo” trên internet, sự ca ngợi vóc dáng lý tưởng hay làn da không tì vết dễ khiến nhiều người cảm thấy mình "không đủ đẹp", đặc biệt là những ai đã có sẵn lòng tự ti.
Đáng chú ý, BDD thường xuất hiện sớm. Nhiều trường hợp ghi nhận từ năm 12–13 tuổi. Nó ảnh hưởng đến cả nam và nữ với tỷ lệ gần tương đương và có thể kéo dài suốt đời nếu không được điều trị đúng cách.
Điều trị BDD hiệu quả nhất hiện nay là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), giúp người bệnh nhận diện và thay đổi những suy nghĩ sai lệch về bản thân, đồng thời điều chỉnh hành vi ám ảnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống trầm cảm để hỗ trợ điều trị, đặc biệt khi triệu chứng nặng hoặc đi kèm các rối loạn khác như trầm cảm, OCD, rối loạn lo âu xã hội.
Ngoài ra, những thay đổi nhỏ trong lối sống cũng có thể hỗ trợ quá trình hồi phục như hạn chế so sánh ngoại hình, tránh tiếp xúc với nội dung độc hại trên mạng xã hội, thiết lập ranh giới với người tiêu cực và xây dựng thái độ tự chấp nhận bản thân. Việc tập trung vào sức khỏe, giá trị cá nhân và sự kết nối thực chất với người xung quanh có thể giúp người bệnh giảm bớt áp lực về ngoại hình và dần tìm lại sự tự tin.
Bình luận của bạn