Các chỉ số rối loạn mỡ máu ghi trên phiếu xét nghiệm chỉ mang tính tham khảo và bác sỹ sẽ là người cân nhắc chỉ định điều trị cho từng cá nhân (Ảnh: IStock)
Lưu ý về kem chống nắng cho trẻ
Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì để giảm triệu chứng?
Người hảo ngọt có thể dùng nguyên liệu gì thay cho đường tinh luyện?
3 thói quen đơn giản giúp não bộ lão hóa khỏe mạnh
Mẹ tôi, ở tuổi 90, hàng tháng ăn chay ngày Rằm và mồng Một, ăn uống hàng ngày rất chú ý kiêng khem bởi vẫn cứ ám ảnh rằng bà bị mỡ máu. Mỗi lần đi khám bệnh, làm xét nghiệm máu, các chỉ số liên quan đến mỡ máu đều vượt so với các trị số tham chiếu in ở dòng bên cạnh. Khám bệnh bảo hiểm, phòng khám cán bộ có loại thuốc nào thì kê cho cụ thứ ấy. Lâu lâu cụ lại dặn “Mua cho mẹ mấy hộp mỡ máu nhé!”
Bản thân tôi, mỗi lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm máu, các chỉ số liên quan đến mỡ máu cũng đều vượt so với các trị số tham chiếu. Song bác sỹ đều bảo chưa đến mức dùng thuốc, tích cực vận động, chú ý chế độ ăn uống, thành thử nảy sinh vấn đề tâm lý khiến chuyện ăn uống có những món khoái khẩu mà không dám "chén cho sướng miệng", vì sợ lại khổ cái thân!
Thế nhưng, sáng nay tôi có đọc được bài viết về mỡ máu hay "Rối loạn mỡ máu” trên trang facebook cá nhân của bác sĩ Lân Hiếu, xin chia sẻ lại với bạn đọc, ai quan tâm thì tham khảo:
Bác sĩ Lân Hiếu viết:
Câu hỏi thường được nghe nhất ở các phòng khám chuyên khoa tim mạch là mỡ máu cao có cần uống thuốc không? Chính vì tỷ lệ gặp nhiều khi xét nghiệm thường quy nên việc điều trị rất lộn xộn. Người cho thuốc này, kẻ uống thuốc kia. Đang dùng thuốc lại dừng, mấy tháng sau xét nghiệm tăng vọt thì lại cuống cuồng nâng liều hạ mỡ máu…
Xin chia sẻ ngắn gọn góc nhìn của tôi:
- Thứ nhất, mỡ máu không phải là xấu. Không có cholesterol cơ thể không “vận hành trơn tru”. Trong mỡ máu có thành phần tốt (HDL) nếu giảm thấp lại là yếu tố nguy cơ cao. Chính vì vậy không phải cứ tăng mỡ máu là uống thuốc.
- Thứ hai, các người bệnh đã bị biến chứng do mảng xơ vữa mạch máu gây ra như (hẹp tắc động mạch vành, mạch não, mạch chi,…) cần dùng thuốc hạ mỡ máu vì các nghiên cứu đã chứng minh giảm được tỷ lệ tử vong và biến chứng lâu dài. Tuy nhiên uống phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, theo dõi đáp ứng, điều chỉnh liều và phòng tác dụng phụ của thuốc (hay gặp nhất là tăng men gan).
- Thứ ba, những người không có triệu chứng và ít yếu tố nguy cơ nếu tăng mỡ máu nhưng mỡ tốt (HDL) không giảm, tôi thường không cho thuốc mà chỉ yêu cầu chế độ sinh hoạt tập luyện.
- Thứ tư, nếu đã dùng thuốc hạ mỡ máu không được dừng đột ngột vì mỡ máu sẽ tăng trở lại, lợi bất cập hại. Chính vì vậy tôi chỉ kê đơn khi bệnh nhân thực sự hiểu về vấn đề tưởng như đơn giản nhưng trong thực tế có một số lượng rất lớn người bệnh tự dừng hoặc bỏ thuốc.
- Cuối cùng, con số giới hạn bình thường mỡ máu được in sẵn trên tờ xét nghiệm chỉ là để tham khảo. Mỗi trường hợp khác nhau sẽ có chỉ định điều trị khác nhau - cá thể hoá từng người bệnh là xu hướng của y học ngày nay. Không cần quá lo lắng khi thấy chỉ số của mình bị “in đậm”, nên tìm đến bác sĩ để tư vấn vì đây là vấn đề cần có hướng đi lâu dài.
Với các bác sĩ, xin hãy thật sự đắn đo khi kê viên thuốc hạ mỡ máu. Tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng có thể chính bạn đã khởi động một chu trình rối loạn chuyển hoá khi kê đơn mà không giải thích dặn dò kỹ lưỡng cho người bệnh của mình.
Sáng hôm qua, tôi rất buồn khi gặp một cậu thanh niên đi khám gói tầm soát bệnh trước hôn nhân và “bị” kê 2 viên Lipitor 10mg mỗi ngày. Xét nghiệm của cậu ấy chỉ được làm 2 thành phần (cholesterol tăng nhẹ 5.96 và Triglyceride bình thường 1.23) không được làm HDL và LDL (chắc do thiết kế gói khám tiết kiệm). Cậu ấy không hề có yếu tố nguy cơ kể cả trong tiền sử gia đình, rất khoẻ mạnh và hạnh phúc vì sắp làm đám cưới. 2 viên thuốc hoàn toàn không có lợi mà còn tạo ra sự bất an cho bản thân và người nhà. Chính vì vậy khi tôi nói em không có bệnh tật gì cậu đã thật vui và hứa sẽ giữ một chế sinh hoạt, tập luyện lành mạnh.
"First, do no harm the patient!” - Nguyên tắc trước tiên của nhân viên y tế là không làm hại thêm cho người bệnh của mình!
Câu chuyện trên đây của bác sĩ Lân Hiếu với tôi, thực sự là lời khuyên hữu ích khi đón nhận kết quả xét nghiệm máu của mình, nhất là hiện nay nhiều bệnh viện cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu trả kết quả qua mạng, không có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ. Tốt nhất hãy tìm đến bác sĩ để nhận được sự tư vấn chính xác cho trường hợp của mình. Đừng tự đọc kết quả, căn cứ theo trị số tham chiếu rồi tự dùng thuốc, biến mình thành người bệnh vì “tự tin” vào sự hiểu biết của mình!
Bình luận của bạn