Số người nhập viện vì sản phẩm chứa men gạo đỏ Kobayashi tiếp tục tăng

Phòng thí nghiệm R&D của Công ty Dược phẩm Kobayashi tại thành phố Ibaraki, Nhật Bản - Ảnh: CFP.

Các ca nhập viện vì men gạo đỏ Kobayashi có đặc điểm chung là gì?

"Chất lạ" bí ẩn trong sản phẩm của Kobayashi?

Người thứ 5 tử vong liên quan đến sản phẩm của Kobayashi, bê bối lan rộng

Một hãng dược Nhật thu hồi sản phẩm gây tổn thương thận, Bộ Y tế ra cảnh báo

Con số này được cập nhật vào ngày 7/4, bao gồm cả những người đã được xuất viện, theo hãng thông tấn Kyodo News đưa tin trích dẫn từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, dựa trên báo cáo từ Công ty Kobayashi, đã có tổng cộng 1.224 người cần khám sức khỏe tính đến ngày 7/4 và nhà sản xuất này đã nhận được khoảng 53.000 truy vấn của khách hàng.

Ngoài ra, trong các cuộc chất vấn tại trụ sở của Kobayashi ở thành phố Osaka vào ngày 6/4, nhiều trao đổi đã được đưa ra liên quan khoảng thời gian 2 tháng từ khi nhà sản xuất nhận biết về các vấn đề với sức khỏe người dùng cho đến thời điểm công khai những thông tin đó.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Tân Hoa Xã, nhà kinh tế học Hidetoshi Tashiro nhận định cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm của Kobayashi bộc lộ những vấn đề về tổ chức trong công ty.

Ông Tashiro cho biết, nhà sản xuất dược phẩm này, với tư cách là một doanh nghiệp gia đình điển hình của Nhật Bản, có thể ưu tiên lợi ích của mình hơn khách hàng trong việc ra quyết định. Điều này thể hiện ở việc Kobayashi đã không tiến hành các biện pháp ngay lập tức hoặc báo cáo với chính quyền về những phản ánh tổn hại sức khỏe của khách hàng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Theo Kyodo, mặc dù Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm của Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương khi xác định được các sự cố sức khỏe, nhưng Kobayashi đã không làm được điều này.

Thực phẩm bổ sung men gạo đỏ của Kobayashi, bao gồm Beni-koji Choleste Help, liên quan đến 5 trường hợp tử vong do bệnh thận. Sản phẩm có mặt ngoài thị trường vào tháng 2/2021 được quảng cáo có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu (LDL). Tính đến cuối tháng 2 năm nay, hãng đã bán 1 triệu gói.

Theo giới chức y tế Nhật Bản và Công ty Kobayashi, một thành phần ngoài ý muốn có tên là acid puberulic, sinh ra từ nấm mốc xanh, đã được phát hiện trong sản phẩm tại nhà máy Osaka. Cơ sở sản xuất này đã đóng cửa vào tháng 12/2023.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, acid puberulic là một chất kháng khuẩn và chống sốt rét mạnh, có thể gây độc, nhưng vẫn chưa xác định được liều lượng bao nhiêu sẽ gây hại và mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe hoặc gây tổn thương thận.

Cuối tháng 3 vừa qua, giới chức y tế của Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra 2 nhà máy của Công ty  Kobayashi gồm cơ sở đã đóng cửa tại Osaka và địa điểm mới ở Wakayama.

Beni-koji là gì?

Gạo men đỏ được sản xuất bằng quá trình lên men nấm mốc trên gạo - Ảnh: CNA

Gạo men đỏ được sản xuất bằng quá trình lên men nấm mốc trên gạo - Ảnh: CNA

Beni-koji từ lâu đã được sử dụng làm màu thực phẩm, trong sản xuất và chế biến đồ uống lên men. Nó có nguồn gốc từ gạo đỏ ủ chung với nấm Monascus purpureus.

Quá trình lên men bắt đầu với việc hấp cơm đỏ, sau đó cấy bào tử Monascus purpureus và để nơi kín đáo trong điều kiện có kiểm soát. Theo thời gian, gạo chuyển sang màu đỏ rực, sắc tố đỏ do nấm tạo ra. Đây cũng là nguồn gốc của cái tên "beni", có nghĩa là màu đỏ.

Theo phó giáo sư Yumiko Yoshizaki của Đại học Kagoshima, một chuyên gia nghiên cứu thực phẩm lên men, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện một thành phần có tác dụng làm giảm cholesterol, được gọi là monacolin K, từ nấm mốc vào những năm 1970.

Trong những năm gần đây, chất này đã thu hút được sự chú ý như một thành phần trong thực phẩm bổ sung sức khỏe. Các thực phẩm bổ sung sức khỏe có chứa men gạo đỏ thường được bán trên thị trường để giúp giảm cholesterol.

Điều này là do men gạo đỏ có chứa monacolin K, hợp chất giống hệt về mặt hóa học với lovastatin, Giáo sư Eric Chan, nhà khoa học dược phẩm tại Khoa Dược và Khoa học Dược phẩm thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết. Lovastatin thuộc nhóm thuốc gọi là statin. Statin làm giảm lượng “cholesterol xấu” và chất béo trong máu cũng như làm tăng lượng “cholesterol tốt”, theo CNA.

Theo một nghiên cứu năm 2018 của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu, đã có báo cáo về việc người dân ở Châu Âu và Hoa Kỳ gặp phải tác dụng phụ sau khi dùng gạo men đỏ. Chúng bao gồm đau cơ, tổn thương gan và rối loạn tiêu hóa.

Giáo sư Eric Chan giải thích, trong khi monacolin K trong gạo men đỏ giúp giảm cholesterol, nó cũng gây ra các tác dụng phụ tương tự như thuốc statin. Ông cho biết thêm, statin có thể gây tổn thương cơ với các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng như yếu cơ, đau nhức và chuột rút. Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến tổn thương thận.

“Đây là lý do tại sao statin chỉ được kê đơn với các khuyến nghị để lên lịch kiểm tra độ an toàn một cách thường xuyên. Nhưng không giống như thuốc statin, các thực bổ sung sức khỏe không kê đơn chứa men gạo đỏ trải qua các biện pháp kiểm soát theo quy định “ít nghiêm ngặt hơn” - Giáo sư Eric Chan chia sẻ, theo CNA.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Xinhua/CNA/Mainichi)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn