Một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ sẽ cung cấp cho trẻ có khả năng bảo vệ tự nhiên chống lại bệnh tật
7 điều cần biết về hệ miễn dịch
Tìm ra vaccine miễn dịch lâu dài với virus Ebola
Những thông tin thú vị về bệnh tự miễn
Quinvaxem giúp trẻ miễn dịch tốt hơn vaccine dịch vụ
Dưới đây là 10 cách tự nhiên giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ:
1. Bú sữa mẹ
Theo một nghiên cứu năm 2002, các nhà nghiên cứu Australia phát hiện, bú sữa mẹ có tác dụng tích cực đối với sự phát triển hệ thống miễn dịch của bé nhờ các thành phần trong sữa mẹ có tác dụng thúc đẩy sự trưởng thành của niêm mạc tiêu hóa và thay đổi hệ thống vi sinh đường ruột.
Sữa mẹ chứa tất cả các protein, đường và chất béo mà một đứa trẻ cần để có được một cơ thể khỏe mạnh. Hơn nữa, nó cũng cung cấp các kháng thể và bạch cầu, cả hai đều cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp trẻ có sức đề kháng chống lại với sự tiếp xúc của các vi sinh vật gây bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF khuyến cáo, trẻ được bú mẹ 6 tháng hoàn toàn theo sau trẻ được bú sữa mẹ trên một năm. Đặc biệt, so với trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ, trẻ sơ sinh bú sữa bột dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi, cúm, các bệnh về dạ dày và nhiều vấn đề khác.
2. Thêm trái cây và rau quả vào món ăn
Một chế độ ăn uống lành mạnh là nền tảng của một hệ thống miễn dịch tốt. Bạn cần bổ sung nhiều các loại trái cây và rau quả (như táo, cà rốt, khoai lang, đậu, bông cải xanh, kiwi, dưa hấu, cam, dâu tây…) vào chế độ ăn uống để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Nếu trẻ không thích ăn rau và hoa quả, bạn cũng có thể làm các loại nước ép và sinh tố từ các loại thực phẩm này. Mỗi ngày, trẻ cần 5 khẩu phần trái cây và rau (Một khẩu phần ăn khoảng một chén cơm nhỏ) để cơ thể hấp thụ vitamin và khoáng chất cần thiết. Các khẩu phần có thể được trải ra trong suốt cả ngày trong các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ.
Các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc và thực phẩm khác giàu vitamin A, B2, B6, C, kẽm, selenium và các acid béo thiết yếu cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Cần lưu ý, thay vì các loại ngũ cốc tinh chế, bạn nên cho con ăn các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Tránh ăn các loại thực phẩm trẻ em có nhiều đường như bánh quy, các loại ngũ cốc đóng hộp và soda.
Bạn cũng có thể làm các loại nước ép và sinh tố từ các loại rau và hoa quả để tăng miễn dịch cho trẻ
3. Ngủ đủ giấc
Theo một nghiên cứu được công bố trên Pflügers Archiv European Journal of Physiology 2012, giấc ngủ ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới khả năng miễn dịch của trẻ. Trẻ sơ sinh cần đến 18 giờ ngủ mỗi ngày. Ở những độ tuổi khác, trẻ cần ngủ đủ từ 10 -14 giờ trong một ngày. Bên cạnh đó, chất lượng giấc ngủ cũng quan trọng không kém.
Phòng ngủ của con cần tối và thông thoáng vào ban đêm. Ngủ trong bóng tối thúc đẩy việc sản xuất các hormone melatonin, đóng vai trò như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Ngoài ra, tránh tất cả các thiết bị điện tử cũng như các trò chơi trong phòng ngủ của con bạn.
4. Cho trẻ tập thể dục từ sớm
Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giúp con bạn phòng tránh bệnh tật. Tập thể dục thường xuyên với 30 phút mỗi ngày sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch và cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe khác cho con của bạn.
Khuyến khích trẻ tập thể dục bằng cách làm bạn tập cùng con thay vì chỉ yêu cầu chúng đi ra ngoài chơi đùa. Các bài tập gợi ý: Đi bộ, chạy bộ hoặc đi xe đạp khoảng 30 phút mỗi ngày là những bài tập đơn giản và tốt nhất cho cả gia đình. Bạn cũng có thể ghi danh cho con bạn vào các lớp học bơi, các lớp học tennis hay bất kỳ môn thể thao nào khác mà trẻ thấy hứng thú.
5. Cho trẻ tắm nắng và hít thở không khí trong lành
Thiên nhiên là một chất kích thích khả năng miễn dịch tuyệt vời. Vitamin D là một vitamin tăng cường miễn dịch, những người bị thiếu hụt vitamin D có nguy cơ cao mắc các bệnh hen suyễn, ung thư, các bệnh nhiễm trùng...
Chính vì vậy, cần đảm bảo con bạn nhận được lượng vitamin D tự nhiên cần thiết bằng cách để lộ cánh tay và khuôn mặt dưới ánh nắng mặt trời trong 20 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, cần phơi nắng vào buổi sáng sớm để tránh các tia mặt trời chiếu gay gắt sẽ có hại tới da của trẻ.
Ngoài ra, không khí trong lành của buổi sáng sớm cũng tốt cho cơ thể và tâm trí của trẻ. Hãy để trẻ dạo chơi trong công viên, cho con chạy, nhảy, múa và leo lên chỗ nào mà chúng thích. Bạn có thể cho phép con chạy chân trần trên cỏ bởi hành động này cũng thúc đẩy khả năng miễn dịch và sự nhanh nhẹn của con.
Tắm nắng giúp cơ thể trẻ tổng hợp được lượng vitamin D cần thiết
6. Dành cho con tình yêu thương
Theo nhiều nghiên cứu, những cảm xúc tích cực và hạnh phúc giúp kích thích các tế bào của hệ miễn dịch. Một đứa trẻ không cần những món quà đắt tiền và đồ chơi, con bạn cần tình yêu và cảm giác có một cuộc sống hạnh phúc, an toàn. Chính vì vậy, đừng ngần ngại thể hiện tình yêu của bạn như giữ, ôm, massage và hôn chúng thường xuyên. Hãy dành một khoảng thời gian chơi đùa với con của bạn, ăn chung ít nhất một bữa ăn mỗi ngày và nói chuyện với trẻ về các hoạt động hàng ngày.
7. Dạy con thói quen vệ sinh tốt
Vệ sinh tốt không tăng cường hệ miễn dịch nhưng nó sẽ giúp ngăn ngừa bệnh bằng cách giảm thiểu sự “căng thẳng” của hệ thống miễn dịch từ việc chống khuẩn hàng ngày. Việc đầu tiên mà bạn nên dạy cho con của bạn là kỹ thuật rửa tay đúng cách: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây sau khi chơi ở bên ngoài, từ trường về nhà, đi vệ sinh, chơi với vật nuôi và trước khi ăn.
Bên cạnh đó, cần rèn cho trẻ thói quen vệ sinh tốt khác như đánh răng 2 lần một ngày, mặc quần áo sạch và đi tắm hàng ngày. Ngoài ra, cần dạy trẻ sử dụng khăn tay khi hắt hơi hoặc ho. Thường xuyên kiểm tra móng tay của con và cắt nó đi nếu móng tay quá dài.
8. Tránh lạm dụng thuốc kháng sinh và vaccine
Phụ thuộc quá nhiều vào kháng sinh có thể gây hại cho cơ thể như phá hủy hệ thống miễn dịch vì nó giết chết bừa bãi cả vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu. Hơn nữa, lạm dụng kháng sinh có thể gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh, từ đó sẽ tăng thời gian và tốn chi phí điều trị.
Đừng hỏi bác sỹ nhi khoa viết toa thuốc kháng sinh mỗi khi con bạn bị cảm lạnh, cúm hoặc đau họng. Tương tự như vậy, tiêm quá nhiều vaccine chủng ngừa có thể đặt quá nhiều áp lực lên hệ thống miễn dịch của trẻ và gây ra rối loạn chức năng của hệ miễn dịch.
9. Cho trẻ dùng thực phẩm giàu probiotics
Probiotics là những chủng vi khuẩn tốt trong đường ruột có nhiệm vụ giữ cho vi khuẩn xấu không gây hại đến cơ thể. Các nhà nghiên cứu tin rằng, những vi khuẩn tốt có một ảnh hưởng tích cực lên hệ miễn dịch và thậm chí có thể điều chỉnh đáp ứng miễn dịch thông qua hệ thống miễn dịch niêm mạc ruột. Do đó, bạn cần thường xuyên cung cấp các loại thực phẩm giàu probiotics như sữa chua, bơ, và dưa bắp cải… vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ.
10. Thảo mộc
Một số loại thảo mộc có tác dụng cải thiện khả năng miễn dịch của trẻ nhờ chúng có đặc tính kháng khuẩn. Bạn có thể cho trẻ dùng sữa pha với bột nghệ trong mùa cúm để tăng cường khả năng miễn dịch ở trẻ. Để chuẩn bị sữa này, thêm 1/4 hoặc 1/2 muỗng cà phê bột nghệ và một ít hạt tiêu đen vào một cốc sữa sau đó đun sôi. Nếu trẻ thích uống ngọt, có thể cho thêm một ít mật ong nguyên chất. Ngoài ra, cho trẻ nhai một vài lá húng quế hàng ngày hoặc nhiều lần một tuần cũng có tác dụng cải thiện khả năng miễn dịch của con.
Bình luận của bạn