Giá tăng chất lượng có tăng ?
Theo ông Nguyễn Minh Phong, các hãng sữa vẫn đang tìm cách lách luật
Theo Luật An toàn thực phẩm mới được ban hành, TPCN bao gồm 3 nhóm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó sữa bột là những sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất dành cho trẻ em thì được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung. Do đó có rất nhiều hãng sữa đã đổi tên gọi từ sữa bột thành sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng bổ sung, thức ăn công thức… |
Đã có nhiều phân tích về nguyên nhân của tình trạng giá sữa tăng “khó kiềm chế”, trong đó có việc các hãng sữa đã “thay tên đổi họ” cho sản phẩm sữa bột thành thực phẩm chức năng (TPCN) để có thể dễ dàng “lách luật”.
Nhìn nhận về vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng : “Việc quản lý giá sữa hiện nay đã có động thái siết chặt lại, theo tinh thần tăng cường kiểm toán các doanh nghiệp, yêu cầu các hãng sữa phải kê khai đăng ký đầy đủ, giải trình cụ thể mỗi khi đề xuất tăng giá. Nhưng có thể thấy, việc này không mang lại nhiều kết quả như mong đợi, các doanh nghiệp vẫn tìm được nhiều cách để “lách luật”. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc đăng ký giá sữa trở thành cách để các hãng “hợp lý hóa” mức giá mới, thuyết phục người tiêu dùng rằng giá sữa tăng đã được các cơ quan nhà nước cho phép”.
Bên cạnh đó, từ góc độ thị trường, có thể thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá sữa cũng phần nào xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Không ít bậc cha mẹ cho rằng sản phẩm sữa nào giá thành càng cao thì chất lượng sản phẩm càng đảm bảo, đặc biệt là các sản phẩm sữa bột nhập ngoại. Việc chọn sữa cho con không thực sự căn cứ trên nhu cầu phát triển ở trẻ cũng như giá trị dinh dưỡng mà sản phẩm đó mang lại này đang tạo nên một sự lãng phí lớn trong xã hội, cũng như gây áp lực với ngân sách từng gia đình.
Chi phí sữa đè nặng ngân sách gia đình
Chị Đàm Thúy Khương cho biết, chi phí dành cho sữa bột chiếm khoảng 1/3 ngân sách gia đình
Chị Đàm Thúy Khương (Minh Khai, Hà Nội) cho biết : “Trung bình, chi phí sinh hoạt của gia đình tôi rơi vào khoảng 5 -6 triệu đồng/ tháng. Trong đó, chỉ riêng sữa cho bé đã chiếm khoảng 1/3 số đó. Nhưng gần đây giá sữa thì tăng khá đột ngột và liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt phí của gia đình tôi.
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình có con nhỏ khác, như chị Bùi Như Tâm ở Lĩnh Nam chia sẻ : “1 tháng lương của tôi được 3 triệu đồng, thì đã phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng để mua sữa cho bé ăn thêm, vì tôi ít sữa. Tuy nhiên, với tình trạng giá sữa tăng như hiện nay thì e rằng… không kham nổi. Có lẽ, chúng tôi sẽ tìm cách giảm bớt chi phí này, chẳng hạn như đổi sữa, cho bé ăn bổ sung những thực phẩm tự nhiên...
Thực tế
cho thấy, việc cho trẻ uống sữa bột hoàn toàn trong thời điểm giá sữa ngày một
tăng cao là điều khá lãng phí với ngân sách gia đình. Bởi, theo các chuyên gia dinh
dưỡng, đến một giai đoạn nhất định, trẻ có thể tiếp nhận đầy đủ các dưỡng chất
từ các thực phẩm thông thường. Cá, thịt, trứng, rau xanh… được kết hợp khoa học,
phù hợp nhu cầu dinh dưỡng độ tuổi sẽ có thể cung cấp nhiều hàm lượng dưỡng
chất không kém gì sữa bột tổng hợp.
BS. Ths. Lê Thị Hải - Trưởng Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh Dưỡng)
Nhận định về điều này, BS. Ths. Lê Thị Hải - Trưởng Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh Dưỡng) cho biết: “Để cho trẻ phát triển một cách tốt nhất, các bà mẹ nên duy trì cho con bú mẹ trong vòng 2 năm đầu đời. Nếu không, ít nhất cũng phải cho trẻ sử dụng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Sau đó cho trẻ ăn thêm các chế phẩm của sữa như Pho-mai, váng sữa… Trong thời điểm sữa bột “đội giá” như hiện nay, có thể cho trẻ sử dụng thay thế bằng sữa đậu nành. Hoặc đối với trẻ từ 1 tuổi trở đi có thể hạn chế việc uống sữa bằng việc bổ sung cho calci, chất đạm từ các thực phẩm như tôm, cua, cá.. và sử dụng các loại rau củ quả để cung cấp thêm các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể”.
Có buộc phải cho trẻ uống sữa công thức với mức giá cao đến “phi lý” như hiện nay hay không, trong khi trẻ ngoài 1 tuổi đã có thể hấp thu được đầy đủ các dưỡng chất qua thức ăn thông thường? Với câu hỏi này, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ngoài việc “thiết kế” các bữa ăn dặm khoa học, cha mẹ chỉ cần bổ sung một loại sản phẩm vừa tăng cường hấp thu dưỡng chất, vừa tăng cường hệ miễn dịch chống lại bệnh tật là đủ.
Bình luận của bạn