Thưởng trà - Một thú vui trăm lợi ích

Trà có tác dụng tạo huyết, giảm đường trong máu, chống bệnh ung thư và đột biến tế bào…

Người uống trà cần tránh những điều này

Dùng trà - Sai cách, thiệt người! (P.2)

"Trà Kinh" - Cuốn sách cho người uống trà

Giảm cân với...7 ly trà xanh mỗi ngày

Theo truyền thuyết, hơn 6.000 năm trước, vua Thần Nông tình cờ khám phá ra trà thơm ngon, có thể dùng để chữa bệnh. Người Trung Hoa xưa cũng cùng trà như một dược thảo trong việc ngăn ngừa và trị liệu một số bệnh, nhưng đến đời nhà Đường thì trà lại trở thành một thức uống của giới thượng lưu và quan quyền. Dần dần, trà được phổ biến trong dân gian, là một thức uống quen thuộc của mọi người. Còn tại Nhật Bản, cách thưởng thức trà thông thường đã biến thành Đạo, gọi là “Trà Đạo”. Một cách sống nghệ thuật đặc biệt ảnh hưởng đến lối tư duy của cả đất nước và con người Nhật Bản.

Ở Việt Nam, người Việt dường như cả cuộc đời gắn bó và gần gũi với trà một cách vô thức. Mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời (từ nước chè khô, trà đá, chè xanh, đến trà cung đình, trà nhúng túi lọc…) và đến khi về cõi thiên cổ, vẫn được tẩm liệm với trà. Những dịp lễ Tết, giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi… tất thảy đều có trà. Những chàng trai đi hỏi vợ mang theo trà, khi mừng thọ ông bà phải dâng trà, khi quây quần bên gia đình, bè bạn cũng là bên bàn trà… Dường như, trà không thể tách rời đời sống của người dân, trà tồn tại một cách dai dẳng và phong phú trong cuộc sống của mọi người. Thử hỏi, còn gì có thể tồn tại mà ý nghĩa hơn trà với người dân Việt nữa?

Nghệ nhân trà Trường Xuân (Ảnh: Hoàng Anh Sướng)

Tôi không sinh ra tại vùng đất nổi tiếng về trà, gia đình tôi cũng không phải là một gia đình có truyền thống về trà. Mỗi buổi sáng, bà tôi hay hãm một ấm “chè khô” rồi mời các ông bà quanh xóm đến cùng thưởng cái hương vị thanh tao, đắng chát, ngọt thơm của chén trà, nói dăm ba câu chuyện, trước khi bắt tay vào công việc trong ngày. Còn bố tôi, khách đến nhà dù sang hay hèn, bố cũng pha một ấm trà, mời uống chén trà, có chuyện gì thì từ từ nói. Ngày bé chưa hiểu nhiều chuyện, tôi chỉ biết rằng trà đã hiện hữu trong cuộc sống của tôi bình dị như thế.

Lớn lên, giữa mọi thức uống giải khát thường ngày, tôi luôn chọn trà. Uống trà với tôi là một thú chơi thanh đạm. Chọn thứ trà ngon, đun sôi nước rồi hãm trà. Ngồi bình lặng chờ trà nở hoa trong ấm rồi từ từ rót trà ra chén ngắm làn khói trắng bốc lên mang theo mùi hương nhẹ ngai ngái mà ngây ngất. Nhấp một ngụm trà, thấy vị đắng chát nơi cuống lưỡi nhưng ở đầu lưỡi lại thoang thoảng vị ngọt ngào. Uống trà chẳng những mang lại cho tôi những lợi ích về vật chất cho cơ thể mà còn là “dinh dưỡng” cho tâm hồn, giúp cuộc sống của tôi thảnh thơi hơn, cho tôi phút giây yên lãng, nhàn rỗi giữa cuộc sống bộn bề này.

Sống có bao lâu, thời gian lại trôi qua thật mau, tôi quý trọng sự có mặt ngay lúc này, gạt bỏ muộn phiền mà thưởng vị trà ngon. Nâng một chén trà, mọi thứ không như ý sẽ được rũ xuống, ngấm một ngụm trà, thấy tâm hồn trong lắng, bình yên.

                                            Nhấp ngụm trà thơm khà một tiếng
                                           Trăng vàng rớt xuống đáy ly nghiêng,
                                           Trần ai, ai kẻ tâm giao nhỉ?
                                           Đối diện bên ta: Chén trà thiền
                                                       (Thiền trà – Đặng Phương Mai)

Trong khi uống trà, người ta cũng có thể uống một cách im lặng, nhiều khi sự im lặng đó lại ẩn chứa nhiều điều. Lắng tâm lại để ngẫm ra nhiều sự là một thứ tiêu khiển bình an.

Về mặt tinh thần là vậy, còn xét về vật chất, trà mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng hay dược lý mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên bất cứ một tờ tạp chí khoa học sức khỏe hay dinh dưỡng nào.

Trong cuốn “Khoa học Văn hóa trà Việt Nam và thế giới”, PGS Đỗ Ngọc Quỹ, TS Đỗ Thị Ngọc Oanh đã viết rằng: Trà là một dược thảo bình dân mà quý hiếm. Quý bởi trà có nhiều thành phần dinh dưỡng trong trà gồm có acid amin, vitamin, khoáng chất, hydratcacbon, protid, lipid… Đặc biệt, vitamin E có trong trà giúp chống lại sự sản xuất gốc tự do dư thừa, kìm hãm lão hóa, giúp da dẻ mịn màng, tóc óng mượt.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại, trong lá chè còn chứa nhiều chất như polyphenol, lipo-polysaccharide, có tác dụng tạo huyết, trị liệu mắc phóng xạ, giảm đường trong máu, chống bệnh ung thư và đột biến tế bào… Một lượng tinh dầu rất nhỏ có trong lá chè có tác dụng tạo hương thơm, vị ngọt, điều tiết sinh lý, có lợi cho hoạt động tư duy, lao động trí óc và hỗ trợ tiêu hóa.

Trong lá chè còn chứa caffein có tác dụng kích thích vỏ đại não thần kinh trung ương, làm cho tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, kích thích cơ năng hoạt động của tim, giảm mệt mỏi, kích thích thận, lợi tiểu… Tác dụng của caffein trong lá chè khác tác dụng của caffein thuần khiết. Caffein trong lá chè kết hợp với một số thành phần khác như các loại polyphenol nên giảm nhẹ tác dụng hưng phấn đối với hệ thần kinh trung ương. Khi hãm trà với nước sôi, có 80% caffein hòa tan trong nước. Caffein cũng bị bài tiết ra ngoài qua đường tiểu nên không tích lũy lại trong cơ thể.

Trà có nhiều lợi ích là vậy, uống trà thơm ngon mà thanh đạm là vậy, nhưng ngồi quây quần bên bạn hiền thưởng chén trà thơm còn thú vị hơn nhiều. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà”. Người ngồi cùng ta bên ấm trà hẳn là người bạn hiền, tri kỷ, chỉ cần đưa mắt là hiểu lòng nhau, lấy gì mua cho được ở cõi đời lắm bon chen và phiền muộn này?! Có duyên lắm mới được hạnh ngộ cùng nhau bên chén trà nhiều dư vị.

Nhẹ nâng một chén trà Thiền
Bình tâm nhìn khói ưu phiền thoảng bay
Cuộc đời – một giấc mộng say
Trăm năm nhìn lại… Mới hay…
Vô thường!

(Thơ Thiện Hùng)

An An H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp