Tầm soát ung thư & lời khuyên của bác sỹ Lân Hiếu

Các dấu ấn ung thư trong xét nghiệm máu không phải là cơ sở duy nhất để xác định một người có bị ung thư không

Sỏi túi mật 3cm có nguy hiểm không, nên xử trí thế nào?

Có thể điều trị u xơ tử cung mà không cần mổ hay không?

Chuyên gia tư vấn: Những câu hỏi thường gặp trong điều trị suy tim

Thực phẩm giúp cải thiện mất ngủ hiệu quả

Mẹ tôi năm nay tròn 70 tuổi. Cách đây 2 năm bà phát hiện ra có dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa, đi khám thì phát hiện có khối u tại đại tràng, nghi K đại tràng. Sinh thiết tế bào có kết quả, chỉ 1 tuần sau mẹ tôi lên bàn mổ, cắt bỏ khối ung thư, nạo vét hạch, 2 tháng sau tới Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khám chuyên khoa, chuẩn bị cho 2 chân kiềng tiếp theo của tam trị ung thư. Nào ngờ, bác sỹ kết luận, K đại tràng giai đoạn sớm, không điều trị thuốc, hóa chất hay xạ trị, theo dõi 3 tháng một lần.

Cho tới nay, cứ 3 tháng mẹ tôi lại đi khám lại. Lần mới nhất, tôi đưa mẹ đi khám. Lúc chờ bà chụp CT thì thấy có một người, cũng trẻ lân la tới làm quen, hỏi thăm tình hình. Chị kể, nghe nói có gói xét nghiệm ung thư sớm, không biết làm ở đâu thế nào. Chị ấy cần tư vấn, không chỉ để xét nghiệm cho mình mà cần xét nghiệm cho cả bố mẹ nội ngoại hai bên nữa. Tôi chỉ đành lắc đầu không rõ về cái xét nghiệm tầm soát ung thư sớm ấy, chỉ khuyên chị nên theo dõi cơ thể mình đồng thời khám sức khỏe tổng thể định kỳ hàng năm. Có vẻ chị không tin lắm, nên lại đi bắt chuyện với người khác.

Mấy ngày sau, tôi lại đọc được bài viết mà Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, chia sẻ trên trang cá nhân của mình về tầm soát ung thư. Xin chia sẻ lại với bạn đọc.

 

 “Tầm soát ung thư

Chiều qua tôi có khám cho một bác bệnh nhân cũ. Bác bị hẹp động mạch thận đã can thiệp đặt stent tại bệnh viện chúng tôi từ nhiều năm trước. Bác dùng thuốc theo đơn của tôi hơn 5 năm không khám lại, nhưng mọi việc vẫn ổn thoả vì là người cẩn thận, không quên thuốc huyết áp và chống đông bao giờ.

Một ngày đẹp trời, cô con gái rượu cho cả 2 bố mẹ đi tầm soát ung thư. Cả 2 ông bà được sử dụng gói VIP hơn 20 triệu, nhưng vì quen biết nên được giảm xuống còn 18 triệu. Rất nhiều thăm dò chẩn đoán hình ảnh được sử dụng, thậm chí cả chụp Cộng hưởng từ (MRI) toàn thân. Nhìn vào kết quả các xét nghiệm khiến tôi hoa cả mắt. Tất cả các marker ung thư đều được kiểm tra từ đơn giản như PSA, alpha FP,... cho đến phức tạp. Không biết có phải do nhiều kết quả in đậm (cao hơn giới hạn tham chiếu) khiến bác lo lắng và huyết áp bị tăng lên.

Sau khi khám kỹ lưỡng, tôi cũng không đổi thuốc mà chỉ giải thích cắt nghĩa, đồng thời hướng dẫn chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tiễn bác về xong, tôi cứ nghĩ mãi về việc sàng lọc ung thư một cách vô tội vạ hiện nay.

Bố mẹ tôi đều bị ung thư giai đoạn khá muộn mặc dù vẫn khám sức khoẻ định kỳ. Đều được làm marker ung thư, nhưng kết quả vẫn không phát hiện được giai đoạn sớm của bệnh. Không biết bao nhiêu trường hợp giống như vậy và chắc chắn rất hiếm người được may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần như bố mẹ tôi.

Chính vì vậy tôi xin khuyến cáo các xét nghiệm dấu ấn ung thư không được sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư. Ngoài 2 xét nghiệm kinh điển PSA (ung thư tiền liệt tuyến) và alpha FP (ung thư gan), các marker khác không có giá trị chẩn đoán xác định ung thư do độ nhạy và đặc hiệu không đủ tin cậy. Có nghĩa là dù có chỉ số tăng cao cũng không chắc bị ung thư và ngược lại âm tính cũng không loại trừ được (khiến rất nhiều người chủ quan với kết quả này).

Các bạn sẽ hỏi vậy tại sao người ta lại nghiên cứu ra các marker ung thư? Xin thưa đó là sử dụng để theo dõi đáp ứng điều trị. Bệnh nhân đang điều trị hoá trị, xạ trị, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u,… sẽ được chỉ định marker liên quan và xét nghiệm theo dõi dọc thời gian. Nếu các chỉ số này tăng đột biến là cảnh báo sự tái phát của ung thư, còn nếu giảm hoặc giữ nguyên theo thời gian là dấu hiệu bệnh nhân đã đáp ứng tốt theo phương pháp điều trị đang thực hiện.

Tóm lại tôi phản đối việc chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan như hiện nay. Đặc biệt các đơn vị tư nhân lấy máu tại nhà rồi tiếp thị những người dân bỏ tiền ra làm các xét nghiệm "lợi bất cập hại" này.

Để sàng lọc ung thư cần khám và tư vấn chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám lâm sàng để chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Cá thể hoá người bệnh là tiêu chí của y học hiện đại. Không thể tầm soát ung thư phổi bằng cách chụp cắt lớp CT Scanner cho một nữ thanh niên không có tiền sử gì đặc biệt, nhưng ngược lại rất cần ở nam giới tuổi cao hút thuốc bị gầy sút chưa rõ nguyên nhân....

Xin hãy thực sự cân nhắc trước các lời tư vấn xét nghiệm các bạn nhé.”

Lời khuyên này của BS. Lân Hiếu đúng là trả lời được những thắc mắc của tôi cũng như của chị trẻ trẻ đã hỏi tôi hôm trước. Cũng giống như bệnh nhân của BS. Lân Hiếu, nếu chỉ nhìn một loạt chỉ số được in đậm, in nghiêng, tôi sẽ hoa mắt chóng mặt và không hiểu gì nếu không được giải thích kỹ lưỡng, không được tư vấn cụ thể với thể trạng, bệnh sử hay thói quen của mình.

Thế nên, BS. Lân Hiếu khuyên bạn chọn lựa đúng chuyên khoa để tư vấn sàng lọc ung thư, tôi thì cho rằng, mỗi người nên tự theo dõi các triệu chứng của cơ thể mình, khám bệnh định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý mạn tính.

 

PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ