Thực hư công dụng của chè dưỡng nhan

Người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan

Ăn chè giải nhiệt ngày hè, giật mình nghe chuyện nguyên liệu pha, nấu

Chè long nhãn củ mài đãi cả nhà

2 món chè đậu xanh mát ruột ngày hè

Chè ngon giải nhiệt mùa hè ở Huế

Công dụng không tưởng của chè dưỡng nhan

Chè dưỡng nhan (hay chè tuyết yến, chè nhựa đào) không phải món ăn mới xuất hiện trong mùa dịch COVID-19. Mùa Hè khoảng vài năm trước, món chè này đã "gây sốt" cùng với những thước phim cổ trang của Trung Quốc cũng như mạng xã hội. Tuy nhiên, xu hướng của năm nay là mua bán nguyên liệu chè dưỡng nhan đóng gói sẵn kèm công thức tự nấu tại nhà.

Dù được gọi là "công thức gia truyền", hầu hết các cơ sở đều cung cấp nguyên liệu khá giống nhau: Nhựa đào, tuyến yến, bồ mễ, kỷ tử, táo đỏ, long nhãn, hạt chia, hạt sen, nấm tuyết… Thậm chí, nhiều cửa hàng còn có những thành phần đắt tiền như saffron (nhụy hoa nghệ tây), đông trùng hạ thảo, nhưng tuyệt nhiên không cung cấp nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho những nguyên liệu này. 

Chè dưỡng nhan giá rẻ nhưng được quảng cáo với nhiều công dụng "thần thánh"

Từ cái tên "chè dưỡng nhan", người bán đều quảng cáo đây là công thức chè cung đình giúp giải nhiệt, dưỡng da, duy trì vẻ thanh xuân và làm da khỏe đẹp tự nhiên từ bên trong. Thậm chí, một số cửa hàng online còn gán cho món chè này những công dụng "thần thánh" như: Ngăn ngừa bệnh ung thư, chống béo phì, chống tăng huyết áp, cholesterol và nhiều loại bệnh.

Tuy chứa thành phần được giới thiệu là bổ dưỡng và quý hiếm, chè dưỡng nhan được bán tràn lan khắp các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn có lý do để nghi ngờ những lời quảng cáo "có cánh" về món chè cung đình này.

Cẩn trọng với những thành phần trong chè dưỡng nhan

Nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan được đóng gói, bảo quản sơ sài, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Nguyên liệu để nấu chè dưỡng nhan "quanh đi quẩn lại" đều có chung một số thảo dược, vị thuốc bắc. Một số người bán có thể thêm tên địa danh vào để lấy lòng người mua như táo đỏ Tân Cương, táo đỏ Hàn Quốc, kỷ tử Ninh Hạ, long nhãn Hưng Yên, hạt chia Úc. Tuy nhiên, việc phối hợp các vị thuốc một cách bừa bãi có thể gây hại cho sức khỏe người dùng:

Tuyết yến

Thành phần tuyết yến (còn gọi là gum tragacanth) trong chè dưỡng nhan là nhựa chảy ra từ cây tuyết yến. Theo WebMD, chưa có nhiều bằng chứng về tác dụng và độ an toàn của nhựa tuyết yến. Tuy nhiên, khi sử dụng tuyết yến, bạn cần uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng tắc ruột có thể xảy ra. Nhựa tuyết yến cũng có thể gây ra triệu chứng dị ứng, khó thở.

Nhựa đào

Nhựa đào có thể chứa độc tính, tạp chất nếu không được thu hoạch đúng cách

Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nhựa đào hay keo đào có thể gây độc và không được dùng trong các sản phẩm đồ ăn hay đồ uống.

Đặc tính dạng gel của nhựa đào đến từ phức hợp carbohydrate tên là polysaccharides, chứ không phải collagen. Do đó, nhựa đào không mang công dụng làm đẹp hay giúp làn da mịn màng, giảm nếp nhăn hay thanh lọc cơ thể. Nhựa đào có thể gây khó tiêu hóa, đặc biệt cho những đối tượng như người già, trẻ nhỏ, bà bầu hoặc người mắc bệnh dạ dày.

Nấm tuyết

Tuy là thực phẩm bổ dưỡng, nấm tuyết (hay mộc nhĩ trắng, ngân nhĩ) biến chất có thể gây ngộ độc cho người ăn, thậm chí suy thận cấp tính và tử vong. Nấm tuyết biến chất có dấu hiệu như màu ngả vàng, kém tươi, không đàn hồi, có vết mốc hoặc dính lại với nhau hoặc thối rữa. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên ăn nấm tuyết.

Kỷ tử

Kỷ tử là dược liệu thường gặp trong Đông y, nhưng có thể gây ra tương tác với thuốc điều trị đái tháo đường và huyết áp. Đây cũng là vị thuốc nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và cho con bú, do có thể gây sảy thai và ảnh hưởng đến khả năng bài tiết sữa.

Táo đỏ

Táo đỏ là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng theo các chuyên gia, bạn không nên dùng quá 10 trái táo đỏ/ngày. Táo đỏ có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm. Đồng thời, người bị bệnh đái tháo đường cần thận trọng khi sử dụng táo đỏ bởi thực phẩm này chứa lượng đường lớn.

Đông trùng hạ thảo

Chè dưỡng nhan sử dụng nhộng trùng thảo (bên trái) chứ không phải đông trùng hạ thảo (bên phải)

"Đông trùng hạ thảo" trong các set chè dưỡng nhan được bán với số lượng lớn mà giá thành rẻ thực chất là nhộng trùng thảo. Nhộng trùng thảo là giá thể nấm có tên Cordyceps Militaris, được nuôi trồng dễ dàng và giá trị dinh dưỡng kém xa đông trùng hạ thảo.

Nhộng trùng thảo có thân cây màu vàng cam ngả hồng hồng, đầu nấm dạng chùy, được trồng trên bất cứ chỗ nào của vật/cây ký chủ. Trong khi đó, đông trùng hạ thảo là cây ở dạng nấm mọc trên đỉnh đầu con sâu màu nâu sẫm, đầu nấm như lưỡi mác.

Trước những mối nguy tiềm ẩn trên, người tiêu dùng cần thận trọng với những chiêu trò quảng cáo chè dưỡng nhan trên mạng. Không nên tùy tiện kết hợp các vị thuốc Đông y khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ làm đẹp có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. 

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng