"Tiểu đường" hay “Đái tháo đường”?

Tiếng Anh chỉ có một từ "Diabetes" nhưng trong tiếng Việt lại có tới 3 từ dùng để chỉ bệnh tiểu đường

Đái tháo đường: Chỉ số HbA1c 8,2% có cao không, làm sao để hạ?

Đường huyết 6,5mmol/L có phải đã bị đái tháo đường không?

Người bệnh đái tháo đường mắc kèm gout nên ăn uống thế nào?

Người bệnh đái tháo đường nên kiêng các loại rau nào?

Tiểu đường (hay đái tháo đường) là căn bệnh mãn tính, do rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể. Lúc đó đường sẽ tăng nhanh trong máu và được bài tiết qua nước tiểu. Tuy nhiên, trong bài này, tôi không có ý định (và cũng không có khả năng) bàn về khía cạnh chuyên môn y học. Tôi chỉ xin góp đôi lời dưới góc độ từ ngữ.

Ấy là việc hiện nay đang tồn tại tới 3 tên gọi của căn bệnh này: tiểu đường, đái đường, đái tháo đường. Có lẽ là, ít ai nhầm lẫn tới mức nghĩ đây là 3 từ chỉ 3 bệnh khác nhau? Nhưng nếu biết rõ đây chỉ là một bệnh (tiếng Anh: Diabetes) thì người ta có thể thắc mắc là tại sao lại phải dùng tới 3 từ để biểu thị một “sở chỉ”? Điều lạ là chúng được luân phiên sử dụng tùy ý. Trên báo chí, có không ít bài nói về căn bệnh này: Tin vui cho người bị tiểu đường, Đái tháo đường: căn bệnh thế kỉ, Phòng và chống nguy cơ mắc bệnh đái đường… Có khi trong một bài báo, cả 3 biến thể (tiểu đường, đái đường, đái tháo đường) đều xuất hiện. Từ này hoán vị cho từ kia, y như là “diễn viên đóng thế” vậy.

Tôi nhớ, không dưới 1 lần, có một nhà ngữ học (ở Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam trước đây) lên tiếng khá gay gắt, đề nghị thay hẳn chữ “đái đường, đái tháo đường” và sửa thành “tiểu đường”. Theo ông, nên đặt tên cho hiệp hội những nhà khoa học nghiên cứu và điều trị căn bệnh này là “Hội Tiểu đường Việt Nam”. Lí do của ông đưa ra chủ yếu là để “đáp ứng tính thẩm mĩ ngôn từ”. Nói tiểu đường nghe nhẹ nhàng, dễ chịu chứ “từ "đái" bất lịch sự, nghe thô tục quá, như đấm vào tai”. Nhưng, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (website: http://daithaoduong.com) vẫn thành lập và như mọi người đã biết, Hội không dùng chữ “tiểu đường”. Có phải là các nhà y học không biết hoặc không đếm xỉa gì đến ý kiến của dư luận và đề xuất của một số nhà ngôn ngữ?

Nên viết là tiểu đường, Đái đường hay Đái tháo đường?

Nên viết là "tiểu đường", Đái đường" hay "Đái tháo đường"?

Trong một hội thảo thuật ngữ có các nhà khoa học bên Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tham gia, chúng tôi có nêu ý kiến này. Nhưng được một số vị trả lời: Nói “đái tháo đường” mới là chuẩn xác, tiểu (hay đi tiểu, tiểu tiện) là một cách nói tránh. Tiểu đường có thể chỉ đái đường (một cách nói rút gọn, song nói đái đường có thể bị hiểu sai vì dân gian vẫn dùng đái đường để chỉ “ai đó đứng đái bậy ngoài công cộng”). Vì vậy, cần phải nói đầy đủ là “đái tháo đường” mới phản ánh đúng bản chất vấn đề (đái tháo: đái ở mức độ nhiều). Thực tế, ta không thể nói là tiểu tháo đường được. Trong thuật ngữ y khoa nội tiết, còn có các khái niệm đái buốt, đái dắt, đái dầm, đái dưỡng chấp, đái láu (đái dắt), đái tháo nhạt (bệnh mãn tính gây rốt loạn chuyển nước, gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều)... Với thuật ngữ, cần phải tính đến sự đồng bộ, không gây nên sự “cọc cạch” cho hệ thống. (Ví như nếu dùng “kế” trong điện kế, nhiệt kế, phong kế, vũ kế… thì sẽ không dùng lẫn “đồng hồ đo” trong đồng hồ đo điện, đồng hồ đo nhiệt, đồng hồ đo gió, đồng hồ đo mưa…).

Tôi nghĩ, ý kiến của các nhà y - dược học không phải là không có cơ sở để cân nhắc khi dùng thuật ngữ. Nó có căn cứ logic của vấn đề. Dĩ nhiên, nhiều khi ta xem xét tính khoa học, tính hợp lí cũng phải tính tới yêu cầu thẩm mĩ. Nhưng, ở đây dùng thuật ngữ “đái tháo đường” cũng không đến nỗi gây phản cảm tới mức khó chấp nhận mà ta bắt buộc phải kiêng tránh. Thực tế, trong giao tiếp hiện nay vẫn chấp nhận sự tồn tại của cả 3 từ này. Chỉ có điều, tùy theo các tình huống cụ thể (thường là trong giao tiếp nói năng, trong các bối cảnh cần sự tế nhị…) mà người phát ngôn chọn một biến thể thích hợp mà thôi. Đó chỉ là một ý kiến và tôi rất mong nhận được sự trao đổi thêm.

 
PGS. TS. Phạm Văn Tình
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện