- Chuyên đề:
- Viêm đường hô hấp
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho và thở khò khè
5 điều cần làm trong cơn hen suyễn
Những hoạt động nên và không nên với bệnh nhân hen suyễn
Trẻ có thể bị hen suyễn mà không có triệu chứng thở khò khè không?
4 triệu chứng cảnh báo bệnh hen suyễn
Nguyên nhân khiến trẻ bị ho
Ho là triệu chứng thường gặp của bệnh hen suyễn. Nhưng với trẻ dưới 5 tuổi, rất khó để chẩn đoán liệu ho có phải là do hen suyễn hay không.
Dưới đây là một số dấu hiệu của bệnh hen suyễn, bạn nên chú ý:
- Có những triệu chứng khác như thở khò khè và khó thở
- Trẻ ho ngày càng nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
- Trẻ không có dấu hiệu cảm lạnh hay nhiễm virus
- Tình trạng ho dường như nặng hơn khi trẻ chạy nhảy, khóc, môi trường có phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc trong nhà hoặc trẻ ở gần vật nuôi.
Những nguyên nhân khác khiến trẻ bị ho
Cảm lạnh
Trẻ nhỏ có thể bị cảm lạnh tới 8 lần trong một năm. Bởi hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Khi bị cảm lạnh, dịch nhầy có thể chảy xuống cổ họng và ho chính là một phản xạ của cơ thể để loại bỏ dịch nhầy. Hầu hết ho do cảm lạnh không nghiêm trọng và sẽ khỏi trong khoảng 3 tuần.
Hầu hết trẻ bị ho do cảm lạnh sẽ khỏi trong 3 tuần
Viêm thanh khí phế quản (Croup)
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) có nguy cơ cao bị viêm đường hô hấp, như viêm thanh khí phế quản. Viêm thanh khí phế quản là một bệnh nhiễm trùng thanh quản gây ra tiếng ho như tiếng sủa và âm thanh rít khi hít thở. Bị viêm thanh khí phế quản tái phát nhiều lần có thể dẫn đến hen suyễn.
Viêm phế quản
Viêm phế quản cũng là bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh gây ra bởi một loại virus làm cho đường thở trong phổi sưng lên và hẹp lại - đó là lý do tại sao trẻ bị ho và thở khò khè. Trẻ cũng cần phải cố gắng thở. Trẻ bị viêm phế quản nhiều lần có khả năng bị hen suyễn.
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng có thể khiến dịch nhầy chảy ra từ phía sau mũi xuống cổ họng gây ho. Nếu trẻ bị viêm mũi dị ứng, trẻ có thể dễ bị thở khò khè hơn hoặc dễ bị hen suyễn trong tương lai.
Tại sao trẻ thở khò khè?
Thở khò khè cũng là một triệu chứng điển hình của bệnh hen suyễn. Thở khò khè rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì đường thở của trẻ vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên, trẻ thở khò khè có thể không phải là do hen suyễn mà do cảm lạnh hoặc nhiễm virus.
Viêm thanh khí phế quản và viêm phế quản rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng khiến trẻ thở khò khè hoặc tiếng thở mạnh và ồn. Khói thuốc lá sẽ khiến trẻ thở khò khè nặng hơn và kéo dài hơn.
Nếu trẻ chỉ bị thở khò khè mà không khó thở và không ốm yếu, thì thường là do một loại virus nhẹ như cảm lạnh. Nếu trẻ không ăn hoặc khó ngủ, có vẻ cáu kỉnh, bạn nên đưa trẻ đi khám.
Khi nào thở khò khè là dấu hiệu của bệnh hen suyễn?
- Có triệu chứng khác như ho và khó thở
- Không có dấu hiệu cảm lạnh hay nhiễm virus
- Trẻ bị thở khò khè khi chạy nhảy, khóc, môi trường có phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc trong nhà, trẻ ở gần vật nuôi.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Nếu bạn thấy trẻ ho hoặc thở khò khè hoặc có cả 2 triệu chứng này, hãy đưa trẻ đi khám. Bác sỹ sẽ tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này, có thể kê đơn thuốc để giảm bớt các triệu chứng của trẻ.
Thuốc ho không kê đơn không phù hợp với trẻ dưới 6 tuổi, chỉ nên dùng cho trẻ từ 6 - 12 tuổi, nếu được bác sỹ hoặc dược sỹ khuyên dùng.
Với trẻ hơn 1 tuổi, bạn có thể thử cho trẻ uống nước chanh pha mật ong ấm để giảm ho. (Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong, để tránh bị ngộ độc). Nếu bác sỹ cho rằng trẻ bị hen suyễn, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc hen suyễn hoặc thuốc hít để xem tình trạng có cải thiện hay không.
Phải làm gì nếu các triệu chứng của trẻ ngày càng trầm trọng?
Bạn nên đưa trẻ đi khám lại ngay nếu trẻ bị ho và thở khò khè nhiều hơn, khó thở hơn, bởi có thể trẻ đang bị lên cơn hen và cần được giúp đỡ.
Khi trẻ bị lên cơn hen, hãy giúp trẻ ngồi dậy, đừng để trẻ nằm, giúp trẻ sử dụng ống hít để dễ thở hơn.
Bình luận của bạn