Vạch mặt 6 tác hại khi cho trẻ xem tivi quá nhiều
Nhiều lợi ích bất ngờ khi cho trẻ xem TV
Xem tivi nhiều nguy cơ tử vong vì bệnh phổi
Giật mình với những đứa trẻ vô hồn vì công nghệ
Chống mỏi mắt cho dân nghiện TV
1. Chậm phát triển kỹ năng sống
Các chuyên gia tâm lý và chăm sóc sức khoẻ trẻ em cho rằng, trẻ xem TV quá nhiều sẽ bỏ qua cơ hội tham gia vào các hoạt động thực tiễn, nhất là các hoạt động thể dục thể thao, cải thiện mối quan hệ xã hội...
Một khi quá đắm chìm với thế giới "ảo", chúng sẽ khó có thể phát triển các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống thiết yếu và nhất là ít tiếp thu các kiến thức thực tế có ích trong cuộc sống.
2. Tinh thần mệt mỏi
Ánh sáng từ TV sẽ kích thích não hoạt động và làm hạn chế khả năng sản xuất hormone giấc ngủ melatonin - hormone tiết ra nhiều nhất vào ban đêm, xáo trộn sự cân bằng tự nhiên, dẫn đến hậu quả là trẻ bị mệt mỏi và ngủ không sâu giấc. Xem quá nhiều TV có thể rút bớt thời gian làm bài tập về nhà của trẻ, có thể dẫn đến thói quen ngủ muộn hoặc thiếu ngủ. Điều này sẽ làm cho trẻ khó tỉnh táo, khó tập trung học tập.
3. Sức khỏe giảm sút
Nhiều kết quả nghiên cứu đã khẳng định về nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi xem TV quá nhiều lên tới 18% cho mỗi tiếng mà trẻ ngồi trước màn hình nhỏ. Ngoài ra, trẻ còn gặp nhiều nguy cơ sức khoẻ khác khi suốt ngày "dán mắt vào màn hình": Suy giảm thị lực, bệnh về cột sống, rối loạn tâm thần, kiệt sức, béo phì, đái tháo đường, hen suyễn...
4. Dẫn tới nhiều hành vi tiêu cực
Trẻ có thể phản ứng gay gắt, mè nheo, cáu kỉnh khi không được xem những chương trình mà chúng yêu thích. Thậm chí, chúng còn thể hiện sự tức giận vô lý khi chương trình kết thúc hay đột nhiên dừng lại.
Bên cạnh đó, trẻ có thể sẽ hình thành những nỗi sợ hãi khác nhau hoặc trở nên ức chế về mặt cảm xúc. Việc thiếu khả năng thể hiện cảm xúc theo cách lành mạnh có thể dẫn tới những rắc rối về tâm lý như thường có tâm trạng thất vọng hoặc có những hành vi gây hấn.
Bên cạnh đó, khi xem các chương trình không phù hợp với lứa tuổi như: Bạo lực, chương trình người lớn, kinh dị rùng rợn, sex... trẻ dễ bị ảnh hưởng và hình thành những tính cách tiêu cực, thậm chí dẫn tới những hành vi: Bất tuân lệnh, quan hệ tình dục vị thành niên, sử dụng ma tuý, uống rượu bia, đánh nhau, đàn đúm bạn bè xấu...
5. Suy nghĩ lệch lạc
TV được trẻ coi là một "tấm gương lớn" để soi vào và học hỏi theo. Các chương trình truyền hình hiện nay thường chạy theo thương mại, vì thế phần lớn đề cao vẻ đẹp hình thể mà ít chú trọng tới sự thông minh. Những người có bề ngoài đẹp đẽ và phong cách thời trang ấn tượng lại thường được đi liền với sự thành công, được nhiều người ngưỡng mộ... Chính điều đó làm trẻ suy nghĩ lệch lạc và chạy theo những xu hướng nhất thời, sinh ra sự tự ti hoặc tự mãn thái quá.
6. Thái độ chuộng vật chất
Các chương trình truyền hình phần nào có trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự ưa chuộng vật chất ở trẻ em.
Các quảng cáo màu mè, phô trương và các chương trình thương mại khuyến khích sự ham muốn ở trẻ. Nhiều trẻ chỉ đồng ý học hành, ngoan ngoãn nếu được bố mẹ hứa mua cho những thứ bắt mắt ở trên TV, nếu không chúng sẽ quậy phá, hờn dỗi. Như vậy, tự nhiên những đứa trẻ sẽ có sự ảo tưởng: Nếu trẻ nào sở hữu vật A, vật B thì đứng ở "vị trí cao hơn" so với những đứa trẻ không có thứ đồ đó. Điều này thực sự không tốt cho việc hình thành tính cách tích cực của trẻ trong tương lai. Lúc này, hãy trao đổi với trẻ về các sản phẩm quảng cáo trên TV. Nếu bé đòi mua chúng, hãy hỏi xem bé sẽ dùng món đồ ấy như thế nào.
Cho trẻ xem TV đúng cách:
Khoảng cách từ mắt tới màn hình TV: Bằng 5 lần chiều ngang hay 5 lần đường chéo màn hình.
Độ chiếu sáng: Cả người lớn và trẻ em đều không nên xem TV trong bóng tối cũng như ánh sáng mạnh. Khi xem TV, hãy bật một nguồn sáng nhỏ bên cạnh màn hình để giảm độ tương phản ánh sáng, còn ánh sáng trong phòng được giảm bớt đi.
Thời gian xem: Giới hạn thời gian xem TV chỉ 2 giờ/ngày hoặc ít hơn. Không nên dùng TV như phương tiện giải trí duy nhất, hoặc như một phương tiện trông trẻ, giữ trẻ khỏi quậy phá. Ngoài ra, hãy cho bé nghe radio để kích thích trí sáng tạo, tưởng tượng.
Lựa chọn chương trình: Chương trình giáo dục, ca nhạc thiếu nhi, khám phá tự nhiên, lịch sử, nấu ăn, phim ngắn, hoạt hình... phù hợp với lứa tuổi, không có yếu tố bạo lực, sex, kinh dị...
Bình luận của bạn