V.League 2023: Cựu vương chống xuống hạng và lý do "sức khỏe tài chính"

SLNA (vàng) mùa này gặp rất nhiều vấn đề cả trên sân cỏ lẫn hậu trường - Ảnh: VTC

V.League 2023: Bất thường và bình thường

Chuyện ông chủ “đang phá đội bóng của chúng ta”

Quang Hải trở lại V.League sớm: Không bất ngờ

Xuống hạng vì không được đầu tư đúng mức nhưng rồi cũng không được giữ lại để phấn đấu lên hạng, mà được bán đi, cho đi là câu chuyện của đội bóng Sài Gòn mùa bóng trước. Rồi hùng mạnh một thời như Topenland Bình Định, từng được gọi là “Chelsea của Việt Nam”, từng đua sức đua tài với Hà Nội FC hay Hải Phòng mùa trước, cũng đến hồi báo động vì “ăn bữa ni không lo bữa mai”, phải kêu cứu địa phương mà thực ra không phải cách một tẹo nào. Chưa kể Hoàng Anh Gia Lai từng bạo chi số 1 để đưa về phố núi nhiều hảo thủ trong và ngoài nước, nay thì chỉ còn đủ sức để vời người cũ Kiatisuk về làm huấn luyện viên trưởng, cho đi cả loạt công thần, nay “liệu cơm gắp mắm” chọn đội hình trẻ tự đào tạo để tiết kiệm cho ông bầu.

Đội bóng thành phố hoa phượng đỏ khởi sắc mùa trước là thế nhưng rồi không đủ sức để giữa các ngôi sao nội ngoại, rốt cuộc cũng chỉ làm nổi vai thường thường bậc trung, dù khán giả vẫn đông đảo và cá tính tuyệt vời, ông bầu muốn chứng minh bản sắc thực sự chứ không chỉ ồn ào đâu đó. Mới đây, đội bóng phố biển Khánh Hòa cũng đang nợ lương thưởng cầu thủ, báo hiệu một tương lai ảm đạm cho câu chuyện lên xuống hạng như cơm bữa của đội bóng nhà nghèo này…

Một đội bóng khác tưởng khá hơn khi có nhà tài trợ mới là SLNA với việc gọi lại một số ngôi sao nhưng chả mấy chốc hụt hơi mà tuyên bố theo kiểu “thắng cũng được, thua cũng được, miễn là…” Là gì xem ra thật khó nói khi mục tiêu không rõ ràng, khen chê không cụ thể, không cầm nắm được, bầu không ra bầu mà ra bí, thì cái gọi là ý chí mơ hồ ấy lấy ở đâu ra nhỉ? Truyền thống thời bao cấp xa xưa đúng là có thật, mỗi khi đội bóng gặp khó thì ý chí vượt khó luôn chảy tươi trong huyết quản của mỗi người. Nhưng nay chuyên nghiệp đến tận răng rồi thì nói thế, làm thế là xa lạ vô cùng, đến nỗi khán giả nhà quay lưng, người trong cuộc ngán ngẩm, hàng xóm thì tưng bừng mọi nhẽ, mà vẫn cứ nói lấy được là sao, là sao…

Cả B.Bình Dương và T.Bình Định đều gặp khó về tài chính, đó hẳn là câu chuyện lạ - Ảnh: Vietnamnet

Cả B.Bình Dương và T.Bình Định đều gặp khó về tài chính, đó hẳn là câu chuyện lạ - Ảnh: Vietnamnet

Để rồi sẽ thấy câu chuyện sau vòng 13 V-League 1-2023 nhóm chống xuống hạng lại có khả năng quy tụ rất nhiều cựu vương một thời như Đà Nẵng, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai…, nơi có mặt thường xuyên các ngôi sao hàng đầu của ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam lâu nay như Tiến Linh, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Tuấn Anh… hay Duy Cương, Quốc Việt, Vỹ Hào, Văn Cường, Xuân Tiến, Văn Việt…

Tất nhiên, “một cánh én không làm nên mùa xuân” nhưng đây từng là những thế lực thực sự của bóng đá Việt Nam, thậm chí từng khuynh đảo khu vực, từng góp công không nhỏ cho các đội tuyển làm nên chuyện ở khu vực và châu lục. Mới thấy, làm bóng đá mà không đạt được sự căn cơ, ổn định, chỉ “giàu xổi”, mua thành tích trước mắt, không chóng thì chầy sẽ đến ngày lùi về vị trí chống xuống hạng như các anh tài một thuở nói trên mà thôi.

 

 

Vậy, đội bóng nào thường xuyên đạt tới điều mơ ước nói trên? Câu trả lời thuyết phục là Hà Nội FC với thành tích 5 lần vô địch quốc gia, 3 lần đoạt cup quốc gia, 5 lần đoạt siêu cup quốc gia, chưa kể thành tích của các lứa U21, U19, U17…, với các ngôi sao đoạt Quả Bóng Vàng như Thành Lương, Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Quyết…. Mùa bóng 2023 này, Hà Nội FC đang gặp khó do Văn Quyết thụ án treo giò 8 trận, Hùng Dũng gặp vấn đề sức khỏe, Quang Hải chuyển đi… nhưng đừng vội đánh giá thấp năng lực của họ.

Đội bóng này thừa tiềm lực để chọn về đây các ngôi sao nội ngoại phục vụ cho từng giai đoạn của giải đấu, thừa lực lượng để cho các đội khác mượn và đang tập trung để thi đấu tìm kiếm thành tích cấp khu vực và châu lục. Hà Nội FC hiện mạnh nhất về đào tạo trẻ, dù họ chỉ chọn phân khúc từ U15 trở đi, không trải mành mành như Sông Lam Nghệ An từ U9 đến U21 mà thành tích đang dần đi xuống với các lứa quan trọng từ U17 đến U21 và cung cấp nhân lực cho đội 1. Dễ thấy do “sức khỏe” tài chính lẫn phương pháp đào tạo không tiếp cận hiện đại, khoa học, Hà Nội FC và Sông Lam Nghệ An đang là 2 mô hình đạt hiệu quả khác nhau về đào tạo trẻ. Trong đó, hiện nay ai ai cũng thấy Hà Nội FC đang cho ra lò nhiều ngôi sao đẳng cấp, có hy vọng vươn tầm quốc gia và quốc tế so với các tiềm năng trẻ từ đội bóng thành Vinh.

Hiện tại, với việc mua sắm ồ ạt các ngôi sao hàng đầu V-League, kể cả ngôi sao Việt kiều lẫn chiều chuộng Quang Hải, Công an Hà Nội không khó để đoạt ngôi vô địch sau mùa đầu tiên trở lại V-League. Nhưng “đường dài mới biết ngựa hay” như những gì đã nói ở đầu bài về các đội bóng cựu vương. Chỉ biết hy vọng Công an Hà Nội không lặp lại vết xe đổ đó, mà sẽ giữ vững là đội bóng có tiềm lực ổn định, có nguồn đào tạo trẻ căn cơ, lâu dài, là nơi cung cấp hàng đầu nhân lực cho các đội tuyển quốc gia từ giờ trở đi?

Châu Phú
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe