Mẹo để có giấc ngủ ngon trong mùa dịch

Một giấc ngủ ngon giúp bạn cải thiện tâm trạng và tăng cường khả năng miễn dịch

4 thực phẩm giàu magne giúp bạn ngủ ngon, giảm căng thẳng

Làm sao để ngủ ngon hơn trong mùa dịch COVID-19?

Gợi ý 9 loại trà giúp bạn giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn

6 thực phẩm giúp bạn ngủ sâu giấc hàng đêm

Một giấc ngủ ngon là điều quan trọng đối với cơ thể và sức khỏe não bộ của bạn. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp kéo theo đó là sự căng thẳng và lo âu khiến cho bạn khó đi vào giấc ngủ. Việc mất ngủ kéo dài khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi tiếp xúc với virus và làm chậm quá trình phục hồi cơ thể. Vì thế, chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ bạn luôn khỏe mạnh.  

Dưới đây là một số mẹo đơn giản có thể giúp bạn thư giãn, tránh căng thẳng, lo âu và có một giấc ngủ ngon:

Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ

Giờ giấc sinh hoạt của nhiều người có thể bị đảo lộn vì dịch bệnh, bạn và con có thể làm việc, học tại nhà. Tuy nhiên, bạn hãy tập thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một thời gian trong tuần. Ngủ đúng giờ vào trước nửa đêm sẽ giúp cơ thể sản xuất và kiểm soát được chất serotonin - chất được sản sinh trong não và có khả năng điều tiết cảm xúc của mỗi người. Ngủ muộn dẫn đến ngủ không đủ giấc đồng nghĩa với việc lượng serotonin bị giảm xuống, khả năng điều tiết cảm xúc của bạn bị kém đi, dễ căng thẳng, lo âu.

Vận động cơ thể

Duy trì thói quen tập thể dục giúp cải thiện giấc ngủ, nâng cao khả năng đề kháng

Mặc dù trong tình hình dịch bệnh phòng tập và công viên đóng cửa, tuy nhiên bạn nên duy trì thói quen luyện tập thể dục hàng ngày bằng các bài tập ngay tại nhà như yoga, erobic, chạy bộ trên máy. Vận động cơ thể thường xuyên giúp chống lại căng thẳng và cũng có thể cải thiện giấc ngủ. Việc vận động quá ít cũng là nguyên nhân khiến cho bạn khó ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, bạn nên chú ý tránh tập thể dục trước khi đi ngủ vì sự kích thích có thể khiến bạn khó ngủ.

Chú ý thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, khi ăn quá no hay quá đói đều gây khó ngủ. Cần lưu ý không nên ăn bất cứ gì tối thiểu 2 tiếng trước khi đi ngủ do cơ quan tiêu hoá cũng sẽ cần nghỉ ngơi trong khi bạn ngủ. Bữa ăn quá gần giấc ngủ sẽ khiến hệ tiêu hoá bạn phải làm việc khiến cho giấc ngủ của bạn không đủ sâu . Ngoài ra, quá trình tiêu hoá thức ăn trong lúc ngủ cũng không tốt cho các cơ quan như dạ dày và đường ruột, về lâu dài có thể gây thoái hoá và mắc các bệnh về tiêu hoá và bài tiết.

Kiểm soát thông tin tiếp nhận

Hiện nay những thông tin về dịch bệnh được cập nhật thường xuyên, nhưng nếu bạn tiếp nhận tin tiêu cực quá nhiều có thể dẫn đến lo lắng. Các chuyên gia khuyên chỉ nên đọc hoặc xem tin tức một lần mỗi ngày, lý tưởng nhất là vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều trong 30 phút hoặc ít hơn. Hãy loại bỏ các thông tin sai lệch, tiêu cực khiến bạn lo lắng, căng thẳng và khó ngủ.

Hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử trước khi ngủ

Việc nhìn chằm chằm vào màn hình cả ngày là cũng là nguyên nhân khiến bạn căng thẳng và khó đi vào giấc ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, đặc biệt là vào buổi tối, có thể làm chậm đồng hồ sinh học và gây khó ngủ. Vì vậy, nên tắt tivi, ipad, điện thoại, máy tính… trước khi đi ngủ 1 tiếng. Bên cạnh đó, thư giãn bằng một bản nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách, ngồi thiền cũng giúp bạn giải tỏa căng thẳng và ngủ ngon hơn.

Nguyễn An H+ (Theo Heathline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp