6 tác dụng phụ cần chú ý của giấm táo

Giấm táo mang đến một loạt lợi ích, song không nên dùng quá nhiều

Uống giấm táo có thực sự giúp bạn giảm cân?

Giấm táo dùng không đúng cách sẽ gây họa thế này

Giấm táo có giúp giảm đục thủy tinh thể?

Lợi ích sức khỏe thực sự của giấm táo

Mặc dù một lượng nhỏ giấm táo nói chung là tốt và lành mạnh, uống quá nhiều có thể gây hại, thậm chí gây nguy hiểm với sức khỏe.

1. Hại dạ dày

Giấm táo giúp ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết đột ngột bằng cách làm chậm con đường thực phẩm xuống dạ dày, đi vào đường tiêu hóa, từ đó làm chậm quá trình hấp thụ vào máu.

Tuy nhiên, tác dụng này có thể làm trầm trọng triệu chứng của liệt dạ dày – một tình trạng phổ biến ở những người bị đái tháo đường type 1. Khi bị liệt dạ dày, các dây thần kinh trong dạ dày không hoạt động bình thường, do đó thức ăn nằm trong dạ dày lâu hơn. Các triệu chứng liệt dạ dày bao gồm ợ nóng, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa. Với những người bị đái tháo đường type 1 mắc chứng liệt dạ dày, điều chỉnh insulin trong bữa ăn là rất khó khăn vì rất khó dự đoán thời gian tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

Giấm táo ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày

Nghiên cứu đã khảo sát 10 bệnh nhân đái tháo đường type 1 bị liệt dạ dày. Các nhà khoa học nhận thấy, uống 2 thìa canh giấm táo (30ml) thậm chí còn làm tăng thời gian thức ăn lưu trong dạ dày lên đáng kể so với uống nước bình thường.

2. Gây các triệu chứng tiêu hóa

Giấm táo có thể gây ra các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa. Các nghiên cứu trên người và động vật chỉ ra rằng, giấm táo và acid acetic có thể làm giảm sự thèm ăn, thúc đẩy cảm giác no, làm giảm lượng calorie nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, những người uống 1 cốc nước chứa 25gr giấm táo có thể ít thèm ăn hơn, nhưng cũng có cảm giác buồn nôn nhiều hơn đáng kể.

3. Nồng độ kali thấp và loãng xương

Không có nghiên cứu cho thấy giấm táo có ảnh hưởng đến nồng độ kali trong máu và sức khỏe xương tại thời điểm này.

Tuy nhiên, có một trường hợp báo cáo về mức độ kali trong máu thấp và loãng xương là do uống nhiều giấm táo trong thời gian dài. Cụ thể, một phụ nữ 28 tuổi đã uống 250ml nước giấm táo pha loãng mỗi ngày trong 6 năm. Cô đã phải nhập viện do mức độ kali thấp và những bất thường về chỉ số huyết học. Ngoài ra, cô cũng được chẩn đoán mắc loãng xương – một tình trạng hiếm thấy ở những người trẻ tuổi.

Uống quá nhiều giấm táo còn làm tăng nguy cơ loãng xương

Các bác sỹ điều trị cho cô tin rằng uống lượng lớn giấm táo dẫn đến hiện tượng các khoáng chất bị hao hụt khỏi xương, làm acid trong máu đậm đặc hơn. Họ cũng lưu ý rằng, mức độ acid trong máu cao làm giảm sự hình thành xương mới.

4. Hại men răng

Thực phẩm và đồ uống giàu tính acid có thể làm tổn thương men răng. Một số nghiên cứu cho thấy acid acetic có trong giấm táo có thể làm tổn thương men răng. Trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, men răng khôn đã được nhúng trong các loại giấm táo có nồng độ pH khác nhau, dao động từ 2,7-3,95. Giấm táo làm hao hụt 1-20% khoáng chất từ răng sau 4 giờ thử nghiệm. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, tình trạng sâu răng nghiêm trọng đã xảy ra với em gái 15 tuổi do uống 237ml giấm táo không pha loãng mỗi ngày để giảm cân.

5. Bỏng rát cổ họng

Uống giấm táo có nguy cơ bị bỏng rát thực quản (vòm họng). Trong nghiên cứu tổng quan xem xét các chất lỏng độc hại mà trẻ em vô tình nuốt phải, các nhà khoa học nhận thấy acid acetic từ giấm là loại acid phổ biến nhất gây bỏng rát cổ họng. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng giấm nên được coi là một “chất ăn da tiềm năng” và nên để xa tầm tay trẻ em.

Mặc dù không có trường hợp nào bị bỏng rát cổ họng do giấm táo, song một báo cáo chỉ ra rằng một phụ nữ đã bị đau và khó nuốt trong vòng 6 tháng sau khi uống viên uống giấm táo nhưng bị mắc kẹt trong thực quản.

6. Bỏng da

Do tính acid mạnh, giấm táo có thể gây bỏng khi thoa lên da. Trong một trường hợp, một cô bé 14 tuổi đã bị bỏng ở mũi sau khi nhỏ vài giọt giấm táo để tẩy nốt ruồi. Một em bé 6 tuổi cũng đã bị bỏng chân sau khi mẹ em tự điều trị nhiễm trùng chân bằng giấm táo. Ngoài ra còn một số báo cáo khác cũng cho thấy tình trạng bỏng do dùng dấm táo trực tiếp lên da.

 

Hoài Thương H+ (Theo Authoritynutrition.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng