7 vấn đề sức khỏe dễ khiến bạn nhập viện trong mùa Hè

Mùa Hè nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ tai nạn và nhiều vấn đề sức khỏe

Nguy cơ ngộ độc tiềm ẩn trong đặc sản "độc lạ" của mùa Hè

Kinh nghiệm khi đưa trẻ đi du lịch mùa Hè

Những lưu ý khi chăm sóc da nhạy cảm trong mùa Hè

6 biện pháp chăm sóc da dầu mụn trong mùa Hè

Sốc nhiệt mùa nắng nóng

Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi cơ thể người phải tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Chỉ riêng tại Mỹ, có tới 1000 người chết mỗi năm do các vấn đề liên quan đến thời tiết nắng nóng.

Sốc nhiệt gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống con người: Nhẹ thì hoa mắt, chóng mặt tạm thời; Nặng có thể làm tổn thương đa cơ quan, đột quỵ.

Trong thời tiết nắng nóng, người dân nên uống đủ nước, hạn chế hoạt động ngoài trời trong thời gian dài. Tránh khung giờ nắng nóng nhất trong ngày, từ khoảng 11h đến 16h hàng ngày.

Tai nạn do bơi và đuối nước

Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt

Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt

Các hoạt động bơi lội luôn được ưu tiên trong ngày Hè nắng nóng. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian các trường hợp phải nhập viện do các tai nạn liên quan tới nước gia tăng. Đuối nước không chỉ xảy ra khi trẻ em tắm ở sông, ở biển mà đuối nước xảy ra ngay tại các ao, hồ do các gia đình, tổ chức tự đào phục vụ cho mục đích riêng của mình.

Cha mẹ, phụ huynh đưa trẻ đi bơi cần theo dõi con chặt chẽ, cho trẻ sử dụng áo phao an toàn và tìm hiểu kiến thức về sơ cứu đuối nước cần thiết.

Tai nạn bỏng và thương tích khác

Số vụ tai nạn thương tích trẻ em thường tăng cao vào dịp Hè, thời gian các em được nghỉ ngơi, vui chơi mà thiếu đi sự giám sát của thầy cô, gia đình. Trẻ có thể bị thương khi nghịch lửa, sử dụng dụng cụ sắc nhọn trong nhà. Người lớn khi tổ chức buổi tiệc nướng, picnic ngoài trời cũng cần thận trọng với các nguyên liệu dễ cháy nổ như cồn.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, phụ huynh cần theo dõi trẻ thường xuyên, hạn chế cho trẻ lại gần khu vực bếp. Không cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn, đặc biệt là nấu bằng cồn. Chú ý trông chừng trẻ khi ngồi ở bàn ăn có bếp lò dùng cồn để nấu. 

Ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày

Ngộ độc thực phẩm hay gặp trong mùa Hè, thường xảy ra với nhiều người trong một gia đình hoặc trong một bữa tiệc

Ngộ độc thực phẩm hay gặp trong mùa Hè, thường xảy ra với nhiều người trong một gia đình hoặc trong một bữa tiệc

Thời tiết nóng ẩm của mùa Hè tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển mạnh, gây ra ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, các buổi ăn uống ngoài trời hoặc cắm trại dễ có nguy cơ ngộ độc cao, khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn. Rau củ, trái cây cũng ít khi được rửa sạch, sơ chế kỹ càng.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, người dân cần sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Các loại thực phẩm cần phải nấu chín, khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn muốn giữ lại, chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó bảo quản ở tủ lạnh. Nên rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn.

Chấn thương khi chơi thể thao

Theo các chuyên gia, trong những tháng mùa Hè, khá nhiều người phải nhập viện do các chấn thương như trật khớp, bong gân, thậm chí là gãy xương. Thông thường, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, chườm đá vào vết thương để cơn đau tự thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng đau nhức diễn ra trong nhiều ngày và không thuyên giảm, người bệnh cần tới các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương, đồng thời đưa ra những hướng điều trị kịp thời. 

Kích ứng da do côn trùng cắn

Không nên chủ quan với những vết côn trùng cắn

Không nên chủ quan với những vết côn trùng cắn

Với thời tiết nhiệt đới như ở nước ta, tình trạng muỗi và các loại côn trùng có thể gặp xuất hiện quanh năm chứ không chỉ riêng mùa Hè. Cũng bởi vì thế mà đôi khi nhiều người chủ quan khi bị côn trùng đốt.

Một số loài bọ ve có thể là trung gian truyền bệnh nguy hiểm. Những trường hợp trẻ bị côn trùng có nọc độc mạnh đốt như ong hay ruồi vàng thường có phản ứng phù nề rất nhanh, cần nhập viện, điều trị bằng kháng sinh, dùng thuốc giảm viêm, dị ứng, thuốc bôi tại chỗ.  

Không ít trẻ nhỏ bị muỗi đốt sưng đỏ, cộng thêm việc cào gãi khiến vết thương loét ra, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương khiến vi khuẩn dễ tấn công gây viêm.

Mùa Hè đến, bạn cần cẩn trọng với bất cứ vết mẩn đỏ bất thường nào trên da, đặc biệt khi chúng tăng kích thước. Trẻ hoạt động ngoài trời ở nơi có nhiều cây cối nên mặc đồ dài tay, có chun bo ở cổ tay, cổ chân.

Cháy nắng

Cháy nắng hay bỏng nắng là tình trạng da bị tổn thương do tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng mặt trời gây ra. Biểu hiện thường gặp là: Đỏ da, đau rát, da khô sạm… Tuy nhiên, bạn cần thăm khám tại cơ sở y tế nếu vết cháy nắng phồng rộp, nổi mụn nước, đi kèm tình trạng mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, đau đớn nghiêm trọng.

Cháy nắng không được xử lý đúng cách có thể làm tăng nguy cơ lão hóa sớm, thậm chí là gây ung thư da. Chính vì vậy, nếu bạn bị cháy nắng thì nên có phương pháp làm dịu da, cải thiện các triệu chứng kịp thời. Cả người lớn và trẻ nhỏ khi hoạt động ngoài trời đều cần bảo vệ da với kem chống nắng, trang phục dài tay.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp