Chuối: Chuối giàu kali – vi chất được chứng minh hỗ trợ điều hòa huyết áp. Một quả chuối cỡ vừa cung cấp tới 375mg kali, đáp ứng 11% nhu cầu khuyến nghị cho nam giới trưởng thành. Riêng người mắc bệnh suy thận giai đoạn nặng nên trao đổi với bác sĩ trước khi ăn thực phẩm giàu kali như chuối.
Việt quất: Trong việt quất có chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi với huyết áp và sức khỏe tim mạch như anthocyanin, resveratrol giúp làm giãn mạch máu. Nghiên cứu năm 2019 cho thấy, người uống nước quả việt quất hàng ngày trong 4 tuần nhận thấy chỉ số huyết áp giảm 5mmHg.
Gia vị: Người mắc bệnh tăng huyết áp được khuyến nghị ăn giảm mặn. Thay vào đó, hãy nêm nếm với các loại gia vị, thảo mộc như nghệ, gừng, rau thơm… Nghiên cứu cho thấy, nấu ăn với 6,6gr gia vị mỗi ngày giúp giảm huyết áp chỉ sau 4 tuần.
Chocolate đen: Chocolate đen với hàm lượng cacao từ 70-85% chứa nhiều chất chống oxy hóa flavonoid giúp làm giãn mạch máu, giúp máu lưu thông dễ dàng và hạ huyết áp. Dù thực phẩm này tốt cho sức khỏe, bạn vẫn nên sử dụng chocolate đen ở lượng vừa phải để tránh tăng cân.
Các loại hạt: Các món ăn làm từ hạt không tẩm ướp muối là lựa chọn lý tưởng cho người bệnh tăng huyết áp khi thèm ăn vặt. Hạnh nhân, hạt óc chó, hạt dẻ cười… giàu magne và kali, đồng thời cung cấp cả chất xơ, chất béo lành mạnh. Các dưỡng chất này vừa giúp kiểm soát mỡ máu, bảo vệ mạch máu và hỗ trợ giảm huyết áp.
Sữa chua: Chế phẩm từ sữa như sữa chua cung cấp nhiều khoáng chất như calci, kali và magne. Ngoài ra, sữa chua bổ sung các lợi khuẩn đường tiêu hóa probiotic, được chứng minh góp phần giảm huyết áp khi ăn đều đặn.
Củ dền: Nghiên cứu tại Đan Mạch năm 2021 cho thấy, người thường xuyên ăn rau củ giàu nitrate như củ dền, rau lá xanh có chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn so với nhóm lười ăn loại rau này. Nitrate trong củ dền có tác dụng giãn mạch, đem lại lợi ích cho người bệnh tăng huyết áp.
Cá béo: Điểm chung của các món từ cá hồi, cá thu, cá ngừ… là hàm lượng acid béo omega-3 dồi dào. Thành phần này được chứng minh giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Thay thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn bằng cá trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng giúp bạn ổn định huyết áp lâu dài.
Ngũ cốc nguyên hạt: Theo một Nghiên cứu tại Nhật Bản, trong khoảng thời gian 3 năm, người thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt có nguy cơ mắc tăng huyết áp thấp hơn 60% so với người không ăn thực phẩm này. Các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa 3 phần: Cám, mầm và nội nhũ, cung cấp nhiều chất xơ và vi chất như magne. Bạn có thể bổ sung yến mạch, gạo lứt, hạt kê… vào chế độ ăn kiểm soát huyết áp.