- Chuyên đề:
- Bí quyết giảm cân
Sử dụng bánh mì không đúng cách, không hợp lý có thể gây tăng cân
5 loại trái cây màu đỏ giúp giảm cân hiệu quả
Tác dụng phụ dễ gặp khi thực hiện chế độ ăn low-carb
Thực phẩm thay thế cho cơm trắng giúp giảm cân
Thay đổi 5 thói quen ăn sáng giúp bạn giảm cân hiệu quả
Chọn bánh mì giàu chất xơ
Nhiều người cho rằng, ăn bánh mì sẽ dẫn tới tăng cân do thực phẩm này chứa hàm lượng cao carbohydrate (hay tinh bột). Trong thực tế, carbohydrate là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với các chức năng của cơ thể. Việc nhịn ăn tinh bột trong thời gian dài có thể phản tác dụng, khiến bạn đói, mệt mỏi và ăn nhiều hơn.
Trong quá trình kiểm soát cân nặng, bạn hoàn toàn có thể ăn các món bánh mì giàu chất xơ. Chất xơ không chỉ giúp bạn no lâu mà còn hỗ trợ ổn định đường huyết và năng lượng.
Bạn có thể đọc bảng giá trị dinh dưỡng của bánh mì để xác định hàm lượng chất xơ trong mỗi khẩu phần. Chất xơ trong bánh mì thường đến từ thành phần như: Ngũ cốc, các loại hạt (hạt lanh, hạt chia, vừng, óc chó...).
Chọn bánh mì chứa ít đường phụ gia
Chưa nghiên cứu nào cho thấy, tinh bột trong bánh mì sẽ tự động chuyển hóa thành mỡ, tích tụ trong cơ thể và gây tăng cân. Tuy nhiên, các sản phẩm bánh mì ngọt chứa nhiều đường phụ gia lại có thể cản trở quá trình giảm cân. Sau khi nạp vào cơ thể, đường sẽ được gan xử lý và lưu trữ dưới dạng mỡ. Nếu không được đốt cháy qua tập thể dục, vận động hàng ngày, lượng mỡ này sẽ gây ra tình trạng béo phì, thừa cân.
Do đó, để giảm cân và hạn chế cơn thèm đồ ngọt, bạn nên chọn bánh mì nhạt, chứa ít đường phụ gia (không quá 5gr/mỗi khẩu phần).
Chọn bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt
Bánh mì làm từ bột mì tinh chế thường có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp nhưng lượng carbohydrate đơn cao. Vì thế, nếu bạn đang ăn kiêng, hãy lựa chọn bánh mì làm từ bột ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen, bánh mì nguyên cám. Bột ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ và protein - các chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình giảm cân.
Kết hợp bánh mì với protein và chất béo lành mạnh
Để có món bánh mì ngon miệng mà phù hợp với quá trình giảm cân, bạn nên kết hợp thêm các nguồn protein và chất béo tốt cho sức khỏe. Các nguyên liệu dễ ăn kèm bánh mì gồm: Trứng, thịt gà, cá ngừ, cá hồi, quả bơ, sữa chua, dầu olive, bơ hạnh nhân… Món bánh mì giàu protein không chỉ cung cấp nhiều năng lượng mà còn giúp bạn no lâu, giảm cảm giác thèm ăn.
Hạn chế ăn bánh mì cùng thực phẩm giàu tinh bột
Chế độ ăn thừa tinh bột trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tới đường huyết và dẫn tới tăng cân, béo phì. Ngoài bánh mì, có vô vàn thực phẩm giàu carbohydrate như: Các món mì sợi, bánh ngọt, đồ ăn vặt, củ nhiều tinh bột (khoai lang, khoai tây, sắn…).
Khi xây dựng khẩu phần ăn, bạn không nên kết hợp quá nhiều nguồn tinh bột một lúc (ví dụ bữa ăn có cả bánh mì và cơm). Tinh bột chỉ nên chiếm khoảng 1/3-1/4 khẩu phần ăn, còn lại là rau củ quả và protein. Các bữa ăn cũng nên cách nhau khoảng 3-5 tiếng để đường huyết duy trì ổn định cả ngày.
Bình luận của bạn