- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Bà bầu nên kiêng ăn một số thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao
Nhiều bà bầu phơi nhiễm với độc tố nấm mốc zearalenone
Tập thể dục khi mang thai có thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh hen suyễn
Bị nhân xơ tử cung có mang thai được không?
Podcast: Phụ nữ mang thai nên vận động thế nào?
Thực phẩm mà bà bầu thưởng thức không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể người mẹ, mà còn ảnh hưởng đến thai nhi. Chị em còn là đối tượng suy giảm miễn dịch trong thai kỳ, dễ mắc các bệnh lý lây qua đường tiêu hóa với biến chứng nặng nề hơn. Vì lý do đó, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn những thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho hệ miễn dịch của cả mẹ và con.
Để giữ an toàn trong suốt quá trình mang thai, chị em nên thận trọng, hạn chế hoặc kiêng khem một số thực phẩm sau đây:
Đồ uống có cồn
Đồ uống dù chứa lượng cồn rất thấp cũng có thể gây hại cho thai nhi trong bụng mẹ. Chất cồn đi theo máu của mẹ vào dây rốn nuôi thai nhi, khiến trẻ sinh ra có nguy cơ gặp các vấn đề rối loạn hành vi, chậm phát triển trí não và nhiều dị tật khác.
Cá xông khói
Các món cá hồi, cá ngừ xông khói thơm ngon đến đâu cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria. Vi khuẩn Listeria thường có trong thịt nguội, rau sống không rửa sạch dễ gây ngộ độc cho phụ nữ mang thai. Người khỏe mạnh nhiễm Listeria còn có nguy cơ buồn nôn, tiêu chảy. Riêng phụ nữ mang thai mắc bệnh đối mặt với nguy cơ thai chết lưu, sảy thai, trẻ sinh ra cũng có nguy cơ gặp biến chứng về hệ thần kinh.
Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Thủy ngân là kim loại nặng, ở dư lượng cao không chỉ gây hại cho cơ thể mẹ mà còn dẫn tới thai chết lưu, ảnh hưởng tới sự phát triển về thần kinh của bào thai. Một số loài cá biển có hàm lượng thủy ngân cao gồm: Cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá marlin, cá kiếm, cá đổng quéo (cá nàng đào), cá cờ, cá tráp cam.
Cá là nguồn acid béo omega-3 dồi dào, cần thiết cho sức khỏe mẹ và bé. Phụ nữ mang thai nên ăn khoảng 220-340gr cá mỗi tuần, ưu tiên chọn cá có hàm lượng thủy ngân thấp, chế biến chín kỹ.
Món ăn tái, sống
Trong thai kỳ bà bầu tốt hơn hết nên kiêng tất cả các món tái, sống. Sushi làm từ cá sống dễ nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn, trong đó có Listeria, khiến bà bầu có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu. Ngay cả trứng sống, món ăn nhiều người tưởng là bổ, cũng có thể gây ngộ độc do vi khuẩn Salmonella, khiến thai nhi dễ bị nhiễm trùng huyết. Gia đình có thai phụ nên chế biến các món trứng đến khi lòng đỏ và lòng trắng đều chín và đông.
Các món thịt tái, sống có nguy cơ gây mắc bệnh do nhiễm ký sinh trùng toxoplasma khiến thai chết lưu.
Chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng
Tất cả các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, phô mai tươi đều có nguy cơ nhiễm Listeria nếu không được thanh trùng, tiệt trùng đúng quy trình. Đặc biệt, phô mai tươi thường mềm và có độ ẩm cao, dù bảo quản lạnh vẫn là môi trường lý tưởng có vi khuẩn sinh sôi. Bà bầu cũng nên kiêng ăn phô mai được cấy nấm mốc như Roquefort, brie, camembert...
Một số món thịt và pate
Ký sinh trùng Toxoplasma là động vật ký sinh chủ yếu ở động vật máu nóng như: Chim, thịt thú săn... Nhiễm Toxoplasma là nguy cơ gây tử vong liên quan đến thực phẩm hàng đầu ở Mỹ.
Để giảm nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này, tốt hơn hết bà bầu nên nấu thịt chín kỹ, để thịt nghỉ tối thiểu 3 phút trước khi ăn. Hạn chế ăn gan, thịt, thậm chí là pate chay trong thời gian mang thai. Dùng riêng dụng cụ nấu ăn cho đồ sống và đồ chín, tránh lây nhiễm chéo.
Gia đình nuôi mèo cần đề phòng ký sinh trùng này trong phân mèo và hộp cát nơi mèo đi vệ sinh. Đừng quên rửa tay thật sạch khi dọn dẹp nơi nằm của thú cưng.
Hạn chế caffeine
Caffeine có tác động lên các mạch máu và hệ tuần hoàn. Một số nghiên cứu cho thấy, bà bầu sử dụng caffeine trong thai kỳ có nguy cơ cao sảy thai, thai chết lưu, sinh con nhẹ cân, trẻ dễ béo phì sau này. Bà bầu nên tránh tất cả đồ uống chứa caffeine trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Sau thời gian này, cũng không nên uống quá 200mg caffeine (tương đương khoảng 2 cốc cà phê) mỗi ngày.
Giá sống, rau mầm
Tất cả trái cây và rau củ đều cận được rửa thật kỹ trước khi ăn để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Riêng với món giá và rau mầm, chỉ rửa sạch thôi chưa đủ. Các chuyên gia khuyến nghị bà bầu không nên ăn giá và rau mầm sống. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào hạt trước khi nảy mầm, chưa kể nguồn nước và quy trình ngâm nảy mầm không đảm bảo. Tốt hơn hết, các món giá đậu xanh, rau mầm cải… nên được nấu chín hoàn toàn trước khi ăn.
Bình luận của bạn