Mách bạn cách bảo quản rau củ luôn tươi ngon

Không phải loại rau củ nào cũng nên bảo quản trong tủ lạnh

Bảo quản thức ăn thừa: Cách nhận biết thực phẩm bị hỏng

Nên bảo quản thức ăn thừa trong bao lâu để đảm bảo sức khỏe?

Những lưu ý khi tích trữ các loại thực phẩm trong tủ lạnh dịp Tết

Cách bảo quản thực phẩm khô không bị nấm mốc khi trời nồm ẩm

Nguyên tắc chung

- Chọn rau củ tươi nhất có thể: Khi mua rau lá xanh, bạn nên chọn rau có màu đậm, không bị héo vàng. Các loại củ, bắp cải, bí hay hành nên chắc tay, không bị dập nát. Rau có độ cứng sẽ bảo quản được lâu hơn.

- Không nên giữ lại rau củ, thực phẩm có dấu hiệu lạ về màu sắc, hương vị.

- Lưu ý 3 yếu tố: nhiệt độ, ethylene và độ thông thoáng. Rau nên bảo quản trong tủ lạnh, trong khi các loại củ có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng. Ethylene là khí gas có trong hoa quả, giúp đẩy nhanh quá trình chín và có thể làm rau củ nhanh hỏng.

Dựa trên 3 yếu tố này, bạn có thể tìm ra cách bảo quản phù hợp cho từng nhóm rau củ trong căn bếp của bạn.

Khoai tây và khoai lang

Khoai tây và khoai lang có thể lưu trữ trong nhiều tuần nếu được bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Ở nhiệt độ thấp trong tủ lạnh, tinh bột trong khoai chuyển hóa thành đường và chế biến mất thời gian hơn. Bạn không nên bọc kín các loại khoai và không nên bảo quản khoai gần hành tây, chuối và những thực phẩm tiết ra ethylene.

Khoai và hành tỏi nên bảo quản tách riêng, để ở nơi tối và thoáng mát

Ở nhiệt độ ấm, khoai tây có thể mọc mầm hoặc chuyển sang màu xanh. Khi đó, trong khoai tây có một số độc tố glycoalkaloid và bạn không nên sử dụng chúng. Bạn cũng nên loại bỏ những củ khoai lang có hiện tượng mốc, hỏng và không còn độ cứng.

Hành củ và tỏi

Bạn nên bảo quản hành củ, hành tây và tỏi ở nhiệt độ phòng, chọn nơi ít ánh sáng, khô thoáng và mát mẻ. Buộc, đậy kín hành tỏi gây ra độ ẩm khiến chúng nhanh hỏng hơn. Hành tỏi mọc mầm không gây nguy hiểm với sức khỏe, do đó bạn có thể cắt bỏ mầm xanh và dùng phần củ.

Bí ngô

Bí ngô hay bí đỏ có vỏ cứng không cần bảo quản trong tủ lạnh. Bạn chỉ cần bảo quản chúng ở nơi khô mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Đối với bí ngô đã gọt vỏ và sơ chế, bạn có thể đựng trong hộp đựng rau củ, túi kín và để trong tủ lạnh. Bạn không bảo quản chuối, hành, táo ở gần bí ngô.

Rau họ bắp cải

Các loại rau họ bắp cải như súp lơ trắng, bông cải xanh đã qua sơ chế nên được lưu trữ trong tủ lạnh, đóng trong hộp bảo quản thực phẩm kín. Nếu chưa được cắt bỏ phần lõi, bạn có thể bảo quản bắp cải trong ngăn rau quả của tủ lạnh (ở nhiệt độ 3-9 độ C) mà không cần buộc túi. Bạn có thể bảo quản những loại rau này trong tủ lạnh lên đến khoảng 2 tuần.

Rau lá xanh, rau xà lách

Bảo quản rau ăn lá trong túi zip giúp rau tươi lâu hơn

Sau khi sơ chế và nhặt sạch, bạn nên bảo quản rau ăn lá trong các loại túi zip (loại túi nilon có phần miệng là một đường zip được thiết kế để có thể đóng mở được), hộp kín. Bạn không nên rửa rau trước khi cho vào tủ lạnh bởi độ ẩm có thể khiến rau nhanh hỏng hơn. Tùy theo độ giòn, bạn có thể bảo quản rau trong tủ lạnh trong vòng 1 tuần. Bạn nên để rau lá xanh cách xa hoa quả như táo, lê, chuối.

Củ cải, cà rốt

Đối với các loại củ như củ cải, củ dền, cà rốt, sau khi mua về, bạn nên cắt bỏ phần lá xanh và lưu trữ trong hộp bảo quản thực phẩm kín. Các loại củ này có thể bảo quản trong tủ lạnh lên đến 3 tuần.

Nếu có ý định dùng trong thời gian ngắn, bạn có thể để trực tiếp các loại củ trong ngăn kéo bảo quản rau của tủ lạnh. Riêng cà rốt không nên bảo quản gần các loại trái cây chứa nhiều ethylene.

 

Quỳnh Trang H+ (Theo New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng