Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào tới sức khoẻ đường ruột?

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tới hệ sinh thái, môi trường sống mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người đặc biệt là đường ruột.

Chuyện của những thiếu niên 14 & nỗi lo lắng về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu & viễn cảnh tương lai tốt - xấu?

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh như thế nào?

DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Chữa lành & Chủ động phòng ngừa trước biến đổi khí hậu

Dù mối liên hệ giữa khí hậu nóng lên và bệnh phổi là điều dễ hiểu bởi không khí ô nhiễm, khói bụi và nhiệt độ cao rõ ràng không tốt cho phổi thì ảnh hưởng đến đường ruột lại phức tạp hơn. Chúng liên quan đến mọi thứ, từ thực phẩm, nước uống, đất đai, hệ vi sinh vật môi trường cho đến mức độ căng thẳng của con người. Tất cả đều đang thay đổi dưới tác động của khí hậu, và tất cả đều có thể khiến hệ tiêu hóa – nơi được coi là "bộ não thứ hai" của cơ thể gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Nhiệt độ cao và hệ tiêu hóa

Cơ thể con người hoạt động ổn định nhất ở mức 37°C. Chỉ cần tăng lên 37,2°C, chúng ta đã cảm thấy khó chịu. Trong bối cảnh trái đất đang "sốt", hệ tiêu hóa cũng bắt đầu rối loạn.

GS. Elena Litchman, Chuyên gia Sinh thái học Thủy sinh tại Đại học bang Michigan (Mỹ), cho biết: “Nhiệt độ cao làm tăng nồng độ hormone căng thẳng cortisol và điều đó tác động mạnh đến sinh lý ruột.”

Cortisol ảnh hưởng đến nhiều loại tế bào trong ruột. Khi lượng cortisol tăng cao, các tế bào này dễ mất cân bằng, dẫn đến tình trạng loạn khuẩn tức mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Đồng thời, tốc độ tiêu hóa cũng có thể bị rối loạn, khiến thức ăn di chuyển qua ruột quá nhanh hoặc quá chậm.

Một hậu quả khác là hiện tượng "rò rỉ ruột" khiến lớp màng ruột trở nên dễ thấm hơn, cho phép vi khuẩn từ ruột đi vào máu và gây viêm nhiễm. GS. Desmond Leddin, Đại học Dalhousie (Canada) nhận định: “Nhiệt độ cao ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của niêm mạc ruột, là một phần nguyên nhân gây nên say nắng.” Hệ vi sinh vật trong ruột khi đó cũng dễ bị thay đổi, mất cân bằng, dẫn đến nguy cơ bùng phát các vi khuẩn có hại.

Khi trái đất sốt, hệ tiêu hoá bắt đầu rối loạn.

Khi trái đất "sốt", hệ tiêu hoá bắt đầu rối loạn.

Vi khuẩn không chỉ ở trong bạn – mà còn ở xung quanh bạn

Không chỉ bên trong cơ thể, hệ vi sinh vật bên ngoài như trong đất, nước, không khí cũng đang bị biến đổi bởi khí hậu. Vi khuẩn gây bệnh như Listeria, E. coli, Shigella... có thể phát triển mạnh hơn khi môi trường nóng lên. “Đất là nguồn vi khuẩn chính ảnh hưởng đến ruột,” GS. Litchman nói. Chúng có thể đi vào qua thực phẩm, qua da hoặc qua đường hô hấp khi bạn hít phải bụi đất.

Tại các nước đang phát triển, nơi người dân tiếp xúc gần với đất và thực phẩm ít qua chế biến, nguy cơ này càng cao. Cũng vì vậy, những bệnh viêm ruột mạn tính như Crohn hay viêm loét đại tràng vốn hiếm gặp ở các nước nghèo đang ngày càng phổ biến hơn tại đây.

Mối đe dọa từ nước uống

Nhiệt độ cao không chỉ khiến chúng ta uống nhiều nước hơn, mà còn làm gia tăng nồng độ vi khuẩn và mầm bệnh trong nguồn nước. Nếu không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng cao. Trong khi đó, nếu không uống đủ nước khi trời nóng, cơ thể dễ mất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đường ruột.

“Khi mất nước, máu sẽ ưu tiên cung cấp cho tim và não, khiến lượng máu đến ruột giảm mạnh,” GS. Eamonn Quigley, Bệnh viện Houston Methodist (Mỹ), cảnh báo. “Điều đó khiến ruột dễ tổn thương, làm chậm tiêu hóa, gây đau bụng, táo bón, và giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng.”

Trời nóng khiến cơ thể háo nước nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nồng độ vi khuẩn gây bệnh trong nguồn nước.

Trời nóng khiến cơ thể "háo" nước nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nồng độ vi khuẩn gây bệnh trong nguồn nước.

Tình trạng ngập lụt cũng là mối lo lớn. Lũ có thể cuốn theo vi khuẩn như Rotavirus, Cryptosporidium, Campylobacter, Yersinia, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Một ví dụ điển hình là đợt lũ năm 2004 ở Bangladesh , khiến 350.000 người mắc bệnh tiêu chảy. Ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ, nguy cơ vẫn tồn tại khi 23 triệu hộ gia đình đang sử dụng nước từ giếng khoan – nguồn nước dễ bị nhiễm bẩn sau mưa lớn.

Chế độ ăn uống cũng chịu tác động

Thực phẩm hiện đang là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” của biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ tăng khiến cây trồng lớn nhanh, nhưng lại nghèo nàn về giá trị dinh dưỡng. “Cây phát triển nhanh nhưng chứa ít chất dinh dưỡng hơn,” GS. Leddin cho biết.

Nhiệt độ trên 30°C có thể làm giảm hàm lượng chất chống oxy hóa trong thực phẩm, trong khi lại làm tăng lượng asen hấp thụ từ đất như trong cây lúa. Tăng nồng độ CO2 còn khiến gạo, ngô, lúa mì giảm lượng kẽm, sắt và protein. Điều này có thể khiến hàng trăm triệu người bị thiếu hụt vi chất vào năm 2050.

Nước biển nóng lên cũng khiến nguồn cá và hải sản sụt giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến lượng protein trong khẩu phần ăn, đặc biệt ở các nước nghèo.

GS. Litchman gọi đây là hiện tượng “đói tiềm ẩn” – khi con người vẫn ăn đủ về lượng nhưng thiếu hụt chất lượng dinh dưỡng. Hậu quả là hệ vi sinh vật đường ruột nghèo nàn, dễ tổn thương.

Như vậy, biến đổi khí hậu không còn là vấn đề xa xôi, mà đang hiện diện và làm ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống. Những thay đổi tưởng chừng nhỏ trong môi trường từ nhiệt độ tăng, nguồn nước ô nhiễm đến thực phẩm mất chất,… đều đang âm thầm làm suy yếu hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện.

Trong khi các giải pháp lớn như chuyển đổi năng lượng hay cải cách nông nghiệp cần thời gian và chính sách đồng bộ thì mỗi cá nhân cũng có thể góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu: tiêu dùng bền vững, ưu tiên thực phẩm sạch, bảo vệ nguồn nước và ủng hộ các mô hình sống thân thiện với môi trường. Bởi vì bảo vệ hành tinh chính cũng là bảo vệ sức khỏe của chính mình.

 
Hà Chi (Theo Time)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp