Nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân tại Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+.
PTT Trần Hồng Hà: Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt
Thủ tướng: Bộ Y tế không được để thiếu thuốc, thiết bị y tế
Bộ Y tế tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành
Bộ trưởng Bộ Y tế: Ngành y là ngành đặc thù, áp lực rất lớn
9 khó khăn, thách thức còn tồn tại của ngành Y tế
Vừa qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi Tọa đàm “Ngành y vượt khó” để cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, những hy sinh, mất mát của đội ngũ y bác sĩ trên cả nước vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân trong bối cảnh khó khăn của ngành, đồng thời đưa ra các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sau đại dịch, ngành Y đang đối mặt với 9 khó khăn, thách thức. Đầu tiên, dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới. Cùng với đó là những đợt bùng phát sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp trong bối cảnh hệ thống y tế chưa giải quyết được những khuyết điểm giai đoạn trước.
Tiếp theo, hệ thống thể chế liên quan lĩnh vực y tế cơ bản hoàn thiện song còn bất cập liên quan mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, tài sản công.
Bên cạnh đó, năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, dự phòng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đảm bảo. Đặc biệt, việc quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng quy định hiện đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội.
Ngoài ra, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối chưa được giải quyết, trong khi dịch vụ y tế tuyến dưới chưa được nâng lên. Tình trạng chênh lệch về các chỉ số sức khỏe như tỷ lệ tử vong ở mẹ cũng như con trẻ ở các vùng chưa cải thiện rõ rệt.
Mặt khác, năng lực sản xuất trang thiết bị còn khó khăn, mới dừng ở trang thiết bị y tế thông dụng, công nghệ còn thấp, chưa được chú trọng. Hệ thống xử lý nước thải ở cơ sở tuyến tỉnh quá tải, kết quả xử lý đầu ra chưa đạt yêu cầu.
Tình trạng thiếu thuốc chưa được khắc phục, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc còn tồn động lớn.
Quản lý, đào tạo chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập. Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, chuyển từ công sang tư, trong đó có thầy thuốc tay nghề cao.
Cuối cùng, chuyển đổi số và thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, ngân sách chi cho bảo hiểm y tế có tăng, song tổng chi cho đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế.
Cũng trong buổi tọa đàm 23/2, "Cấp cứu của cấp cứu" là cụm từ Giáo sư, Tiến sỹ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói khi đề cập đến tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm. Điều đáng lo ngại được TS Giang đưa ra là nhiều bệnh viện thông báo đến các khoa, phòng trong vòng một tuần nữa sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. Chỉ còn khoảng 1-2 tuần nữa, nếu không có giải pháp tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai với việc các trang thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Những khó khăn mà 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước đang gặp phải cũng là "bức tranh toàn cảnh" về những vướng mắc, trở ngại còn tồn tại trong giai đoạn hiện nay của ngành Y tế.
Dù có tới 9 khó khăn, thách thức như vậy, nhưng theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong năm 2022, ngành y tế cũng đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn và đạt được những kết quả đáng trân trọng. Đó là 3 chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. 13/16 chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành y tế đã hoàn thành, còn 3 chỉ tiêu cơ bản cũng hoàn thành.
“Phải nói rằng, trong điều kiện khó khăn, thách thức như vậy nhưng ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao và từng bước làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.” – Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thủ tướng: Ngành y tế phải xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 vào sáng 24/2, đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần "sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" của đội ngũ y - bác sỹ và những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2022.
Thủ tướng nêu rõ, ngành y tế phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; "thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, "Thầy thuốc như mẹ hiền”. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ còn nhiều người mắc khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật. Hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng một số bệnh viện còn chậm.
Cũng theo Thủ tướng, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, còn hạn chế, bất cập; còn có khoảng cách về chất lượng dịch vụ y tế giữa thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giữa dịch vụ công và dịch vụ tư. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, sinh phẩm cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng tự chủ trong ngành y tế có xu hướng chững lại, thậm chí có bước lùi; một số bệnh viện đang tự chủ ở mức độ cao xin tự chủ ở mức độ thấp hơn. Trong khi đó, vấn đề tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế chưa được cải thiện. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế chậm được điều chỉnh...
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp cận phát triển ngành y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, cả y học hiện đại và y học dân tộc, cả chuyên môn và dược liệu, cả con người và cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động mọi nguồn lực phát triển ngành y tế nhanh, bền vững, hiện đại, tiên tiến, hội nhập.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng quán triệt: "Đã nói là làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được".
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…
Bộ Y tế đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa cơ sở 2… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực y tế từ nguồn tăng thu và cho phép cơ sở y tế công lập được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại.
Trước tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài”. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý "sợ sai”, "làm ít sai ít”, "không làm, không sai” đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.
Bình luận của bạn