Sự chỉ đạo rất kịp thời!

Trước những "ma trận" quảng cáo "thổi phồng" công dụng của TPCN, đã đến lúc các cơ quan quản lý không thể chần chừ - Ảnh minh họa.

Thủ tướng chỉ đạo xem xét kiến nghị của VAFF về quảng cáo TPCN

VAFF: Sát cánh cùng quản lý nhà nước trị căn bệnh “đau đầu”

Ban hành Quy chế đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng

Tầm nhìn mới và vai trò “bà đỡ” của VAFF

10 tác hại nguy hiểm cho xã hội từ sai phạm trong quảng cáo TPCN

Vừa qua, ngày 5/6, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) đã có văn bản kiến nghị số 19/KN-VAFF lên lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và một số Bộ, ban ngành liên quan về việc kiểm soát quảng cáo trong lĩnh vực TPCN. Trong đó, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch VAFF đã nêu ra 4 sai phạm phổ biến hiện nay về quảng cáo TPCN gây ra nhiều bức xúc cho toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý đến người tiêu dùng, bao gồm: 

- Quảng cáo sai sự thật, giả mạo

- Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm

- Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm

- Quảng cáo nhằm vào đối tượng nhạy cảm như: bệnh nhân ung thư

Theo PGS. TS Trần Đáng, những quảng cáo trên đã gây ra 10 tác hại nguy hiểm cho xã hội, đó là:

1. Lôi kéo, nài ép, dụ dỗ người tiêu dùng ràng buộc với sản phẩm của nhà sản xuất bằng những thủ thuật quảng cáo tinh vi, không cho người tiêu dùng có cơ hội để chuẩn bị, để chống đỡ và lựa chọn hay tư duy bằng lý trí, mà chạy theo những động cơ bản năng.

2. Tạo ra hay khai thác, lợi dụng một niềm tin sai lầm về sản phẩm gây trở ngại cho người tiêu dùng trong việc ra quyết định lựa chọn tiêu dùng tối ưu, dẫn dắt người tiêu dùng đến các quyết định lựa chọn mà lẽ ra họ không thực hiện nếu không có quảng cáo.

3. Phóng đại, thổi phồng sản phẩm vượt quá mức hợp lý, có thể tạo nên trào lưu hay cả chủ nghĩa tiêu dùng sản phẩm đó, không đưa ra được những lý do chính đáng đối với việc mua sản phẩm đó, hay để chứng minh được ưu thế của sản phẩm đó so với sản phẩm khác.

4. Che dấu sự thật trong một thông điệp, gây lẫn lộn giữa thật và giả.

5. Đưa ra những lời giới thiệu mơ hồ với những từ ngữ không rõ ràng khiến khách hàng phải tự hiểu những thông điệp ấy.

6. Có hình thức khó coi, thị phi hiếu, sao chép lố bịch, làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ, làm biến dạng những cảnh quan thiên nhiên.

7. Nhắm vào những đối tượng nhạy cảm làm ảnh hưởng đến sự kiểm soát hành vi của họ.

8. Quảng cáo tạo ra hay khai thác, lợi dụng một niềm tin sai lầm về sản phẩm, làm cho người tiêu dùng "tiền mất tật mang".

9. Quảng cáo nhắm vào những đối tượng nhạy cảm, đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng, mục đích là bán được nhiều sản phẩm.

10. Gây rối loạn thị trường, mất an ninh xã hội, mất lòng tin của người dân với chế độ.

VAFF cũng đã đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động quảng cáo TPCN, trong đó:

Về phía cơ quan chức năng: Ngoài việc ban hành các quy định về quảng cáo, còn phải tăng cường các biện pháp, chế tài nghiêm ngặt nhằm răn đe và xử lý thích đáng những doanh nghiệp có hành vi vi phạm đạo đức trong quảng cáo làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, xã hội và cả doanh nghiệp. Mặt khác, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và xử lý nghiêm các tổ chức và dịch vụ quảng cáo chấp nhận truyền thông những thông điệp mang tính chất phi đạo đức của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp: Cần ý thức được cạnh tranh lành mạnh là nền tảng để phát triển lâu dài. Doanh nghiệp không nên quá chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận để đưa ra những quảng cáo vi phạm đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, đảm bảo tính hài hòa giữa lợi ích ba bên như: Lợi ích doanh nghiệp, lợi ích người tiêu dùng và lợi ích xã hội thì mới không dẫn đến tình trạng vi phạm đạo đưc trong quảng cáo.

Về phía người tiêu dùng: Người tiêu dùng cần cảnh giác, đề phòng khi xem thông tin sản phẩm, cần phải có cái nhìn khách quan, cẩn thận trước các thông tin đa chiều từ hoạt động quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp. Kiểm soát trẻ vị thanh niên trong gia đình khi tiếp cận các quảng cáo được cho là có ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ em. Mạnh dạn tẩy chay các sản phẩm của những doanh nghiệp có hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh.

Về phía các tổ chức và dịch vụ quảng cáo: Cần phải tuân thủ Luật Quảng cáo, chấp hành nghiêm các quy định về quảng cáo do nhà nước ban hành. Tư vấn cho các doanh nghiệp về hình thức quảng cáo không vi phạm đạo dức. Từ chối những thiết kế và truyền thông các quảng cáo không phù hợp đạo đức khi doanh nghiệp yêu cầu.

Sự chỉ đạo rất kịp thời !

Công văn số 4286/VPCP-KGVX của Văn Phòng Chính Phủ về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN - Ảnh: Sức Khỏe+

Công văn số 4286/VPCP-KGVX của Văn Phòng Chính Phủ về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN - Ảnh: Sức Khỏe+

Ngay sau đó, ngày 20/6, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 4286/VPCP-KGVX gửi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Bộ, ban ngành có liên quan về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý quảng cáo TPCN đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các Thông báo số: 211/TB-VPCP ngày 20/7/2022, số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 và số 16/TB-VPCP ngày 17/01/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tham khảo văn bản kiến nghị của VAFF, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá thực trạng quảng cáo TPCN, nhất là các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.

Trên cơ sở đó, các cơ quan theo thẩm quyền chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp phù hợp và đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo TPCN theo đúng quy định.

Thủ tướng cũng đưa ra thời hạn rất cụ thể là trước ngày 15/7/2024 để các Bộ, ban ngành báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. 

Đến nay, chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời hạn này, VAFF rất mong các Bộ, ban ngành quan tâm, thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm lập lại "trật tự kỷ cương" trong hoạt động quảng cáo TPCN và kiểm soát an toàn thực phẩm của đất nước, với mục tiêu "chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết".

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý