Bóng đá Việt và những chuyến đi, về không như ý

Quang Hải và Phillip Nguyễn là những sự trở về đang kỳ vọng nhưng lại ít nhiều gây thất vọng

Quang Hải trở lại V.League sớm: Không bất ngờ

Filip Nguyễn sẽ cùng Quang Hải nâng tầm CLB Công an Hà Nội

V.League và chuyện “mặc dù/nhưng…”

Có 2 xu hướng “nâng tầm” nổi bật đang diễn ra không chỉ đối với bóng đá Việt, mà với hầu hết mọi nền bóng đá trên thế giới trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Đó là quá trình các ngôi sao bóng đá lần lượt ra nước ngoài thi đấu, nhất là đến với các nền bóng đá tiên tiến và ngược lại, xu hướng nhập tịch cầu thủ từ các nền bóng đá tiên tiến, nhất là các “vùng trũng” của bóng đá thế giới. Điều đáng nói là bóng đá Việt Nam đang gặp quá nhiều khó khăn với cả 2 xu hướng “nâng tầm” đang rất phổ biến này.

Trước hết, với xu hướng cho các cầu thủ tài năng ra nước ngoài thi đấu, thu hoạch cho bóng đá Việt, nhất là với bóng đá nam, hầu như rất ít ỏi khi các cầu thủ ra đi hào hứng, hy vọng bao nhiêu thì trở về im lặng, thất vọng bấy nhiêu. Câu chuyện gần nhất liên quan đến Quang Hải tới giải hạng 2 Pháp và vừa trở lại V.League với đội bóng mới trở lại đình đám Công an Hà Nội. Cùng thời điểm là sự “thất vọng toàn tập” dành cho ngôi sao Công Phượng khi lần thứ 2 sang J.League chủ yếu để ngồi trên ghế dự bị và có khá khẩm hơn chút ít là Văn Toàn ở K.League.

Còn trước đó, những chuyến đi của Huỳnh Đức, Công Vinh, Xuân Trường,…hầu như chỉ mang tính thương mại mà rất ít yếu tố chuyên môn, chưa kể một số trường hợp cầu thủ trẻ “đứt gánh” do đội bóng bị xuống hạng Sài Gòn FC giải thể…Tất nhiên, ở xu hướng này, bóng đá Việt may mắn có trường hợp ngôi sao bóng đá nữ là Huỳnh Như sang Bồ Đào Nha thi đấu đã chứng tỏ được phẩm chất và năng lực của mình. Thậm chí từ Huỳnh Như truyền cảm hứng, rất có thể tới đây sẽ có lần lượt các ngôi sao bóng đá nữ ra nước ngoài thi đấu, nhất là nếu họ làm được một điều gì đó thuyết phục sau kỳ World Cup 2023 nữ tới đây.

Với xu hướng nhập tịch cầu thủ, bóng đá Việt cũng thu được kết quả khá khiêm tốn cho đến thời điểm này, khi ngôi sao Việt kiều Philip Nguyễn vừa về đầu quân cho Công an Hà Nội. Tất nhiên, thành công của Văn Lâm ở V.League và ĐT Việt Nam, không thành công khi anh sang Thai League hay J.League như “hai mặt của tấm huy chương”, là điều cần chờ thêm thời gian trả lời, nếu có cuộc cạnh tranh thực sự giữa 2 cầu thủ Việt kiều là Văn Lâm và Philip Nguyễn tới đây ở V-League và ĐT Việt Nam diễn ra gay cấn và sòng phẳng. Đó là điều có lợi cho không chỉ các đội bóng mà cả một nền bóng đá, không chỉ một vị trí người gác đền mà có thể ở nhiều vị trí khác khi họ lần lượt về nước thi đấu và trưởng thành.

Hãy nhớ lại thời gian đầu Văn Lâm chơi bóng ở Hải Phòng để thấy sự nhập cuộc với V.League của anh là không dễ dàng, điều tương tự khi Philip Nguyễn về để thủng lưới và thua cả 2 trận đấu đầu tiên chơi cho Công an Hà Nội mới đây, dù anh sở hữu “lý lịch” khủng và tài năng là không cần bàn cãi. Các trường hợp khác như Lee Nguyễn, Adriano Schmidt, Ryan Hà, Victor Lê…cũng đều trải qua vô vàn khó khăn, khấp khểnh, kể cả cầu thủ đẳng cấp như Lee Nguyễn.

Quang Hải cần thời gian để hòa nhập cùng tập thể đội bóng Công an Hà Nội

Quang Hải cần thời gian để hòa nhập cùng tập thể đội bóng Công an Hà Nội

Câu chuyện đang thời sự nhất là cùng lúc cả Quang Hải và Philip Nguyễn đều tạm thời chưa giúp đội bóng chủ quản Công an Hà Nội giành chiến thắng cần thiết. Quang Hải vừa trải qua thời gian dài ngồi ghế dự bị và chơi bóng ở giải hạng thấp ở Pháp, khi về lại ĐT Việt Nam dù được tin tưởng nhưng cũng chỉ thể hiện ở mức tròn vai. Ở đội bóng mới Công an Hà Nội, do chưa quen với đồng đội, lại cũng chưa tìm ra được vị trí thích hợp nhất nên Quang Hải gây thất vọng là điều không làm ai ngạc nhiên. Cũng cần có thời gian thích nghi như Quang Hải là Philip Nguyễn, từ làm quen với thời tiết, đến lối chơi của ông thầy, của đồng đội và nhất là gánh nặng tham vọng mà đội bóng này đặt ra.

Trong khi bóng đá Việt đang dần mở rộng khả năng và cơ hội nhập tịch cho các cầu thủ Việt kiều được học tập và thi đấu ở các nền bóng đá tiên tiến thì các đối thủ trong khu vực đã “đi trên con đường mòn” này từ trước và họ thu được nhiều kết quả đáng chú ý. Ngay từ Tiger Cup 1998, ĐT Singapore với dàn cầu thủ Anh nhập tịch đã đánh bại ĐT Việt Nam trong trận chung kết ngay sân nhà Hàng Đẫy. Dàn cầu thủ nữ nhập tịch mới đây của Philippine cũng từng thắng ĐT nữ Việt Nam tại SEA Games 32 và cả trước đó. Kình địch Thái Lan hay Indonesia cũng không thiếu các ngôi sao nhập tịch hùng mạnh bên cạnh việc các ngôi sao trong nước ra nước ngoài thi đấu thành công, mà câu chuyện của Chanathip hay Theerathon của Thái Lan từng khiến chúng ta bại trận không chỉ một lần, là những minh chứng rõ rành của bóng đá khu vực.

Còn với bóng đá Việt, từ kết quả ít thành công trong quá khứ và hiện tại, kể cả việc lựa chọn điểm đến kỹ lưỡng và khiêm tốn như Quang Hải, khiến cho không ít người cho rằng, giả như họ cứ tập trung thi đấu thật tốt ở V.League thì biết đâu mọi chuyện đã thuận buồm, xuôi gió hơn? Tất nhiên, đó là suy nghĩ ngược, thụt lùi bởi không có thành công nào là đơn giản và không phải trả giá, thậm chí trả giá lớn.

Câu chuyện của Quang Hải hay thực tế thi đấu sau này của Philip Nguyễn cũng như nhiều ngôi sao trong và ngoài nước khác sẽ là bài học nhãn tiền cho bóng đá Việt Nam trong quá trình nâng tầm đầy khó khăn ở phía trước. Rất khó để một ĐT Việt Nam nào đó được lấp đầy bởi cầu thủ Việt kiều, kể cả bóng rổ, mà sẽ là một số nhân tố nổi trội trong một đội hình được đào tạo cơ bản, căn cơ từ trong nước. Ví dụ như chứng ta vừa chứng kiến thể hình, thể lực rất đáng tin cậy của lứa U17 Việt Nam vừa thi đấu ở giải châu Á 2023 này. Thời gian sẽ giúp họ trưởng thành và nếu được bổ sung các nhân tố mới từ nguồn lực Việt kiều, hẳn họ sẽ làm nên chuyện trong một tương lai không xa. Và đó chính là bước nâng tầm cụ thể, chất lượng, cần thiết nhất mà thể thao cũng như bóng đá Việt cần hướng tới.

 
Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe