Cần làm gì để phòng, chống bạo lực học đường cho con trẻ?

Bạo lực học đường có thể xảy ra do trẻ chưa có kỹ năng trước những hoàn cảnh bạo lực cụ thể

Giật mình với bạo lực học đường Việt Nam

Podcast: Trẻ bị viêm loét dạ dày, chăm sóc thế nào?

Ăn cá giúp trẻ nhỏ ngăn ngừa nguy cơ chậm phát triển

Phụ nữ gen Z gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần

Bạo lực học đường và những tổn thương khó lành cho trẻ

Mới đây, khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho một bé gái 12 tuổi, học lớp 6. Bé nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng do bị bạo lực học đường.

Theo khai thác thông tin từ gia đình, được biết bé gái vốn khỏe mạnh, hiền lành và có học lực giỏi. Do bố mẹ phải đi làm xa nên trẻ ở cùng ông bà. Sự việc xảy ra vào ngày 4/11/2023, khi trẻ bị một nhóm bạn khoảng 5 - 6 người đánh vào vùng đầu và người vì lý do trước đó trẻ đã mắng một bạn cùng trường.

Tại thời điểm xảy ra sự việc, trẻ không biết kêu cứu với ai. Khi về nhà, ông bà đã nghi ngờ cháu bị đánh vì quan sát thấy các vết bầm tím trên người, quần áo của trẻ bị rách. Tuy nhiên, bé gái cũng không dám chia sẻ vì lo sợ nếu nói ra sẽ bị các bạn đánh tiếp. Gia đình chỉ biết trẻ bị các bạn bạo hành cho đến khi một người bạn học cùng trường báo tin.

Khi nhập viện, ngoài triệu chứng đau, bé gái còn luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ, chỉ nằm thu mình và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám, hỏi chuyện cũng như làm trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và nhà tâm lý đánh giá ngoài những tổn thương về thể chất, trẻ bị sang chấn tâm lý nặng nề. Sau một thời gian tham gia các hoạt động nhóm và trị liệu tâm lý, hiện bé gái đã cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn, ăn ngủ tốt hơn và được ra viện.

Bạo lực học đường có thể gây ra tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất cho trẻ

Bạo lực học đường có thể gây ra tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất cho trẻ

Theo TS.BS. Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, cô lập và những hành động này gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ trong môi trường học đường. Vấn nạn này gây ra những hậu quả trầm trọng về tinh thần của trẻ như: Rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, chán học và bỏ học. Đặc biệt, bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử của học sinh.

Do đó, cần có những biện pháp phòng ngừa để có thể phát hiện sớm các vụ bạo lực học đường, tránh được các hậu quả đáng tiếc. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con mình tại trường.

Một số kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, chống bạo lực học đường

Để bảo vệ trẻ khỏi bạo lực học đường, gia đình và nhà trường cần giáo dục cho trẻ các kĩ năng cụ thể.

- Khuyến khích trẻ chủ động chia sẻ trước nguy cơ bạo lực học đường: Trên thực tế, hầu hết trẻ đều không dám thông báo với bố mẹ về việc mình bị bạo hành. Nguyên nhân có thể vì trẻ thấy xấu hổ, tự ti khi mọi người biết chuyện, hoặc nhiều trẻ có tâm lý sợ bị bạo hành tiếp nếu nói ra sự thật.

 

Do đó, phụ huynh, thầy cô giáo nên động viên, khuyến khích trẻ chủ động báo ngay cho nhà trường và gia đình khi bị bắt nạt hoặc thấy bạn bị hành hung. Trẻ cần mạnh dạn báo cho người lớn biết về việc bị bạn bè đe doạ qua lời nói, các tin nhắn có nội dung đe dọa qua điện thoại di động hay email… trước khi sự việc bạo lực học đường xảy ra.

Ngoài ra, bản thân trẻ cũng cần có ý thức thông báo với thầy cô giáo hoặc phụ huynh nếu thấy bạn mình bị bắt nạt, bạo lực. Cần giáo dục cho trẻ hiểu việc che giấu thông tin về bạo lực của bạn bè là điều không được phép làm.

- Dạy trẻ kỹ năng nhận biết tình huống bạo lực học đường: Trẻ cần nhận biết sớm các dấu hiệu có nguy cơ bạo lực như nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay… Nếu có thể nhận biết sớm các dấu hiệu nguy cơ này, trẻ sẽ biết cách cách hành xử để né tránh tình huống bạo lực có thể xảy ra.

- Kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với bạn bè: Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm tại trường. Điều này sẽ giúp trẻ có được những người bạn thân phù hợp để có thể chia sẻ khi gặp khó khăn. Từ đó, trẻ sẽ có được sự hỗ trợ từ bạn bè nếu có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường.

Cha mẹ có thể giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè bằng cách dạy trẻ luôn hòa động, yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh. Trong mọi tình huống, hãy dạy trẻ giải quyết một cách hoà thuận, tránh gây ra tình huống căng thẳng, đối đầu. Nếu sự việc quá khả năng giải quyết, trẻ nên tìm sự hỗ trợ từ thầy, cô giáo hoặc từ phụ huynh.

Vi Bùi (Theo Benhviennhitrunguong)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ