Chuyện không chỉ ở thành Vinh

Cảnh tượng trên khán đài xưa nay hiếm mỗi khi SLNA đi thi đấu - Ảnh: Báo Nghệ An

V.League 2023: CAHN có cơ hội làm nên lịch sử

Văn Lâm và chuyện giữ ngôi vị số 1 V.League 2023

V.League 2023: Cựu vương chống xuống hạng và lý do "sức khỏe tài chính"

Ngay trong và sau trận đấu bị cho là đáng ngờ giữa Thép Xanh Nam Định và Công an Hà Nội (CAHN) ở giai đoạn 2 mới đây, nhóm đua vô địch V.League 2023, đông đảo cổ động viên thành Nam đã biểu hiện sự bất bình cao độ đối với thái độ thi đấu hời hợt, buông xuôi của đội chủ sân Thiên Trường. Nhiều khán giả đã lục tục rời sân sớm, thậm chí sau đó có hành động vứt trống cổ vũ, đốt áo, trả áo và bày tỏ việc chấm dứt cổ vũ đối với đội bóng từ nay về sau. Đó là hành động đầy bất ngờ nhưng không hề vô lý của khán giả Nam Định. Đáng nói hơn khi họ là những người vốn hết lòng, hết sức yêu thương đội bóng, từng dày công tập hợp lực lượng, biết cách tổ chức cổ vũ một cách công phu, bài bản, có tiếng vang, từng đạt những con số kỷ lục về số người xem qua nhiều vòng đấu.

CĐV Nam Định ngán ngẩm, tẩy chay đội nhà - Ảnh: VTC news

CĐV Nam Định ngán ngẩm, tẩy chay đội nhà - Ảnh: VTC news

Nhưng bất ngờ là đối với riêng cổ động viên Nam Định, còn sẽ không bất ngờ nếu nhìn rộng ra trong làng bóng đá Việt vốn có nhiều sự cố, sự kiện không chỉ nhìn từ khán đài. Cách đây một mùa giải, cổ động viên Sông Lam Nghệ An từng tẩy chay đội bóng thân yêu của mình sau kết quả thi đấu bết bát, cụ thể là không đến sân Thống Nhất cổ vũ đội nhà mà kéo đến sân Thủ Dầu Một để cổ vũ đội bóng láng giềng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Tiếp nữa, trên mạng xã hội, Ngọc Hải sơ suất với việc dùng từ “cổ động viên chân chính” lại tiếp tục bị lên án, tẩy chay không thương tiếc. Nên nhớ, cổ động viên Sông Lam Nghệ An có đặc điểm là không chỉ đến sân Vinh đông đảo khi đội nhà thi đấu tốt, mà luôn có đủ lực lượng để đến các sân như Hàng Đẫy, Thống Nhất, Thủ Dầu Một…để biến những nơi này thành các “chảo lửa” thực sự, tiếp sức mạnh mẽ cho đội nhà.

Rõ ràng, cổ động viên bóng đá ở đâu cũng hết mực yêu mến đội bóng và luôn dày công để việc cổ vũ, động viên ngày một trở nên chuyên nghiệp, có thương hiệu, từng được biểu dương, khen thưởng như các hội cổ động viên Quảng Ninh, Nam Định, Sông Lam Nghệ An…Nhưng điều đó chỉ gắn liền với sự cố gắng, nỗ lực vượt lên của các đội bóng, gắn với kết quả của từng phút, từng giây nỗ lực trong tập luyện và thi đấu. Đó là lúc khán giả “thương” đội bóng như người nhà, như con em trong nhà. Có thương như thế thì sân Thiên Trường mới có giàn trống cổ vũ lừng danh với những tay trống thượng thặng, mới có người cầm chịch tài ba để bắt nhịp cho cả hàng vạn người hô lên, hát lên những tiếng “Nam Định” thôi thúc lòng người. Có thương như thế mới có những cổ động viên Sông Lam Nghệ An bỏ tiền túi may cờ, mua áo, mua trống hò nhau đi cổ vũ bất cứ nơi nào gần xa, miễn là nơi đó cầu thủ áo vàng thân thuộc ra sân…

Người Nghệ có bài ví giặm Giận thương rất nổi tiếng “đã thương thì thương cho chắc, đã trục trặc thì trục trặc cho luôn”, xem ra áp dụng vào chuyện xem bóng đá cũng không sai tẹo nào. Yêu mến đội bóng đến mức cực đoan, ai nói Sông Lam “chém đinh chặt sắt” là méo mặt không bằng lòng, cầu thủ tài năng phạm lỗi nặng cuối cùng cũng giơ tay cứu chuộc, đưa anh em trở lại con đường đúng đắn… Thương là thương đến thế nhưng rồi giận cũng giận nóng nảy, giận cạch mặt nhau, giận không thèm đến sân cổ vũ đội nhà mà đi cổ vũ hàng xóm cho biết mặt, giận vứt trống. xếp xó cờ áo… Tương tự, người hâm mộ thành Nam cũng thương hết mình thương như từng có, giận hết sức giận sau vụ việc đội nhà buông xuôi trước bàn dân thiên hạ mới đây. Nói là làm, là gom áo đến tận nơi đội bóng để trả, để “hiểu trọn lòng nhau”…

CĐV SLNA giận cầu thủ đội nhà nhưng mà thương thì vẫn thương - Ảnh:Báo Nghệ An

CĐV SLNA giận cầu thủ đội nhà nhưng mà thương thì vẫn thương - Ảnh:Báo Nghệ An

Cũng như cuộc sống thường ngày “bát đũa còn va nhau”, mối quan hệ đội bóng-cổ động viên tất nhiên cũng nóng lạnh, nọ kia khó tránh khỏi. Vấn đề là đội bóng, trước hết là lãnh đạo, là huấn luyện viên trưởng phải biết cách để kết nối, để tạo sự tin cậy giữa đôi bên, sao cho hòa thuận, êm ấm, lâu dài. Sau sự việc tẩy chay của cổ động viên Sông Lam Nghệ An, lãnh đạo đội bóng đã phải lên tiếng để xin lỗi cộng đồng người hâm mộ vì đã để xảy ra sự việc đáng tiếc. Bản thân cầu thủ ngôi sao cũng phải xuống nước để giải thích, thanh minh cho sự bồng bột, sơ suất trong khi tham gia mạng xã hội… để rồi ngay sau đó, mọi việc trở lại bình thường.

Sau trận thua bị phản ứng trên sân Thiên Trường mới đây, ông Vũ Hồng Việt cũng phải lên tiếng nhận trách nhiệm và đặc biệt, “hết giận rồi thương” cổ động viên thành Nam không bỏ rơi đội nhà mà vẫn đến sân Lạch Tray ủng hộ đội bóng, ông thầy này ngay lập tức thể hiện lòng biết ơn chân thành… Để thấy, vấn đề ở các đội bóng không chỉ là để xảy ra lỗi lầm, sự cố đáng tiếc, mà quan trọng hơn là phương cách xử lý lỗi lầm, xử lý khủng hoảng truyền thông một cách chuyên nghiệp nhất có thể.

Bài học ở Sông Lam Nghệ An, ở Thép Xanh Nam Định có thể không phải là bài học đắt giá nhất, không phải là bài học cuối cùng trong bóng đá và mối quan hệ bền chặt giữa đội bóng và cổ động viên, nhưng chắc chắn đó là những bài học quý cho bất cứ đội bóng nào trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp. Tất nhiên, sẽ không có bài học nào giống bài học nào và cũng không có sự cố nào lặp lại sự cố nào nhưng, trái bóng còn lăn thì còn vô vàn câu chuyện xảy ra trong và ngoài sân cỏ, trên khán đài và bất cứ nơi nào và sẽ cho thấy ai thì xử lý tốt, còn ai thì bất lực, kém cỏi để bị sự cố, bị khủng hoảng xô đổ, tràn qua…

 
Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe