Chuyến bay đêm Giáng sinh và vụ “giải cứu” của bác sỹ Lân Hiếu

"Không phải trường hợp ngất, khó thở nào cũng phải làm thủ thuật ép tim phổi", bác sỹ Lân Hiếu chia sẻ

Tiếp tục phát hiện vi phạm quảng cáo trên Shopee

102 cơ sở bị đình chỉ và khởi tố 23 vụ vi phạm về ATTP trong năm 2022

Bí quyết cải thiện di chứng sau tai biến của người phụ nữ miền Tây

Người bệnh đái tháo đường có được ăn mì Ý?

Trên trang facebook cá nhân, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu kể lại vụ “giải cứu” của ông trong chuyến bay đêm Giáng sinh của VNAirline từ thủ đô nước Pháp về Hà Nội. Âu cũng là kinh nghiệm cho những trường hợp tương tự xảy ra trên các chuyến bay đường dài.

Bác sỹ Lân Hiếu viết:

Cường phế vị hay phản xạ thần kinh phế vị là một hội chứng lâm sàng hay gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tiếng Anh gọi là Vasovagal. Đây là phản ứng giãn mạch quá mức gây tim đập chậm lại, vã mồ hôi, huyết áp tụt, chân tay lạnh ngắt. Các dấu hiệu khác đi kèm có thể là đau bụng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt. Nếu xử lý đúng cách, cơ thể sẽ phục hồi rất nhanh trở lại trạng thái bình thường nhưng nếu không biết cách, để muộn và không có người trợ giúp có thể trở nên nguy hiểm. Huyết áp tụt thấp kéo dài sẽ giảm ý thức, nhịp tim chậm quá có thể gây xoắn đỉnh, rung thất, ngừng tuần hoàn.

Nguyên nhân của cường phế vị có nhiều nhưng hay gặp nhất là đau kèm theo sợ, đặc biệt trong bệnh viện khi bắt đầu làm thủ thuật, nhìn thấy máu…, hay bị đập mạnh vào vùng bụng trong sinh hoạt hàng ngày. Thay đổi tư thế, nhiệt độ đột ngột, đói bụng hay quá no cũng là những yếu tố thuận lợi dẫn đến cường phế vị. Cơ địa hay lo lắng, xúc động, hay “khóc nhè” là những đối tượng dễ bị cường phế vị, nói đến đây chắc các bạn hiểu nữ sẽ gặp nhiều hơn nam giới.

Các nhân viên y tế với phương tiện đầy đủ, việc cấp cứu cường phế vị tương đối đơn giản. Atropin là thuốc “đầu tay” khi xử trí và cũng là thuốc có thể dùng trước các thủ thuật để phòng cường phế vị. Truyền dịch tốc độ nhanh đảm bảo khối lượng tuần hoàn trong 2-3 phút cơn cường phế vị sẽ mất đi. Rất hãn hữu mới cần các thuốc vận mạch catecholamine (Dobutamin, Dopamin, Noadrenalin…)…

Empty

Bắt mạch và kiểm tra ý thức người bệnh khi chẩn đoán cường phế vị (ảnh minh họa)

Nghe đơn giản nhưng bản thân tôi đã gặp rất nhiều các trường hợp dở khóc dở cười đặc biệt với các bác sĩ trẻ khi làm thủ thuật. Có bạn thấy bệnh nhân tụt áp, ú ớ liền lao vào ép tim thổi ngạt, có bạn sợ quá lên cơn cường phế vị ngất xỉu luôn cùng bệnh nhân hoặc chân tay lạnh toát cứng đờ không biết xử trí thế nào. Lời khuyên cần luôn nghĩ đến hội chứng này, dự phòng bằng giải thích kỹ lưỡng, giảm đau cẩn thận, thuốc, dịch sẵn sàng với đường truyền là yếu tố quan trọng cho bất cứ thủ thuật dù lớn hay nhỏ. Khó nhất đó là cấp cứu cường phế vị trong cộng đồng khi không có phương tiện trong tay.

Empty

Nâng chân bệnh nhân lên cao là một trong những động tác đơn giản để giải quyết hiệu quả cường phế vị, tụt huyết áp (ảnh minh họa)

Chắc do số, tôi gặp khá nhiều trường hợp như vậy trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là 3 lần cấp cứu trên máy bay dân dụng khi được phi hành đoàn gọi loa đề nghị trợ giúp y tế. Việc đầu tiên phải bắt mạch, nếu mạch còn cần hỏi ý thức bệnh nhân, đau ngực hay không, các dấu hiệu thuận lợi bị cường phế vị như đã liệt kê, đặc biệt trong máy bay là ngồi lâu đứng dậy đột ngột, đói quá, đau bụng đi ngoài… 2 triệu chứng gợi ý nôn và vã mồ hôi rất hay gặp nhưng cần lưu ý có thể cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Tuy vậy, kể cả nhồi máu cơ tim hay đột quỵ trong tay chưa có thuốc chuyên dụng chúng ta cần làm động tác khá đơn giản nhưng rất hiệu quả để cấp cứu cường phế vị, nhịp chậm tụt áp. Đó là để đầu người bệnh thấp xuống, nâng chân thật cao. Theo dõi sát mạch nếu mạch nhanh lên và nẩy mạnh hơn là các bạn đã thành công.

Y học cổ truyền lúc này phát huy giá trị bằng cách bấm các huyệt thông thường như hợp cốc và nhân trung, khoảng 2-3 phút mọi chuyện sẽ ổn thoả nếu đúng là cường phế vị. Cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm, không nên dùng cà phê, chè đặc, rượu... có thể pha nước gừng nóng có đường theo dân gian…

Dù không phải nhân viên y tế, theo tôi ai cũng nên học cách bắt mạch và nâng chân khi có người xỉu nghi do cường phế vị. Con gái của tôi đã bắt được mạch từ năm lớp 7 nên hôm qua được học thêm bài nâng chân.

Một Noel đặc biệt khi cả đêm ở trên trời và người hành khách tôi giúp lại là bác sỹ đang đi du lịch Việt Nam. Rất vui vì sơ cứu thành công và cảm nhận được sự chuyên nghiệp của phi hành đoàn chuyến bay VN18. Phù hiệu anh cơ phó tặng sẽ là kỷ niệm đẹp trong mùa Giáng sinh - Năm mới của gia đình chúng tôi.

 
SK+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết